Quảng Ninh: Khoanh vùng dập dịch tả lợn châu Phi ở thị xã Quảng Yên
Tính từ 14/5 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 4 phường, xã của thị xã Quảng Yên là Tiền Phong, Liên Vị, Tân An và Minh Thành với tổng số 24 hộ có lợn nhiễm bệnh.
Dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng ra nhiều xã, phường ở thị xã Quảng Yên khiến chính quyền địa phương và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh phải vào cuộc tích cực để khoanh vùng dập dịch.
Sau khi xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi vào ngày 14/5 vừa qua tại hộ gia đình ông Lê Văn Khâm ở thôn 1, xã Tiền Phong với 12 con lợn mắc bệnh, thị xã Quảng Yên đã triển khai nhiều giải pháp khoanh vùng, dập dịch nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, giết mổ, tuy nhiên dịch đang có diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan trên diện rộng.
Ngày 18/5, chính quyền địa phương đã xác định thêm một ổ dịch khác ở hộ gia đình thuộc xã Liên Vị. Việc kiểm soát dịch gặp khó khăn do người dân còn chủ quan.
Ngày 26/5, thêm một ổ dịch tại hộ gia đình anh Vũ Văn Thông, khu Đồng Mát, phường Tân An.
Đến ngày 28/5, dịch tả lợn châu Phi lại xuất hiện trên đàn lợn của 2 hộ gia đình ở phường Minh Thành với tổng số 27 con.
Tính từ 14/5 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 4 phường, xã của thị xã Quảng Yên là Tiền Phong, Liên Vị, Tân An và Minh Thành với tổng số 24 hộ có lợn nhiễm bệnh, gồm 123 con.
Ngay sau khi xuất hiện các ổ dịch, chính quyền địa phương đã hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện tiêu hủy theo quy định để đảm bảo an toàn, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Chính quyền địa phương và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh đã triển khai phun tiêu độc khử trùng, lập các chốt kiểm soát, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch.
Ngày 29/5, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã trực tiếp xuống các ổ dịch phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, hướng dẫn người dân tăng cường phòng, chống dịch.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan cao, các hộ chăn nuôi lợn tiếp tục thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, phun thuốc tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại; đảm bảo dinh dưỡng cho đàn lợn; không tái đàn trong thời điểm này.
Người dân không vận chuyển, tiêu thụ lợn bệnh, chết, không giấu dịch và thực hiện việc tiêu hủy lợn bệnh theo đúng quy định để hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra./.