Quảng Ninh: Đốt thực bì sau dọn dẹp, thu dọn rừng phải đăng ký, xin phép
Chỉ được phép đốt khi thực bì khi đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng; việc đốt lần lượt từng dải, thứ tự từ trên sườn đồi xuống chân đồi; khi đốt phải có người canh gác...
Ngày 8/10, ông Nguyễn Thanh Khương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, cho hay để phòng cháy rừng, ngành kiểm lâm yêu cầu các đơn vị, hộ dân và cá nhân nào muốn đốt thực bì sau dọn dẹp, thu dọn rừng phải thông báo tới trưởng thôn, bản, tổ đội phòng cháy, chữa cháy rừng. Việc đốt thực bì sẽ được lực lượng kiểm lâm bố trí hợp lý, an toàn nhằm hạn chế các vụ cháy rừng đáng tiếc xảy ra.
Cụ thể, chỉ được phép đốt khi thực bì khi đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng; việc đốt lần lượt từng dải, thứ tự từ trên sườn đồi xuống chân đồi; khi đốt phải có người canh gác và chuẩn bị đảm bảo dụng cụ chữa cháy rừng, khoảng 10-15m có một người gác trên dải đề phòng và dập tắt ngay các đám lửa cháy lan, đốt xong phải kiểm tra toàn bộ diện tích đốt, khi lửa tắt hẳn mới ra về. Không đốt xử lý thực bì khi có thông tin dự báo cấp cháy rừng trên phương tiện giao thông đại chúng từ cấp III trở lên.
Hiện nay, trưởng các thôn, khu trực tiếp phát phiếu để 100% chủ rừng trên địa bàn ký cam kết không đốt vật liệu, thực bì tại hiện trường rừng bị thiệt hại vào những ngày nắng, hanh khô để chuẩn bị trồng rừng. Chỉ tiến hành thu gom cành, ngọn, lá vào nơi an toàn và xử lý vào ngày râm mát, buổi sáng sớm trước 9 giờ sáng.
Ngay sau bão số 3 là mùa khô hanh nên nguy cơ cháy rừng trên địa bàn khá lớn. Theo thống kê, Quảng Ninh có khoảng trên 117.000 ha rừng bị thiệt do bão số 3; trong đó, mức thiệt hại từ 30-100%. Phần lớn diện tích rừng bị thiệt hại là rừng trồng với các loài cây thông, keo, bạch đàn, ngoài ra còn có hàng nghìn ha rừng tự nhiên bị ảnh hưởng; trong đó, phần lớn diện tích rừng bị gẫy ngang thân, cành, 100% lá bị tuốt rụng, phần lớn cây rừng không có khả năng phục hồi.
Ước tính có khoảng 6 triệu tấn vật liệu rất dễ cháy (thân, cành, rễ, lá hiện nay đang khô dần) tại hiện trường rừng bị thiệt hại, cùng với thời tiết diễn biến nắng nóng, hiện trường khu vực bị thiệt hại đã hình thành các lớp vật liệu rất dễ cháy khi gặp lửa hoặc các tác động ngoại cảnh (con người, hoạt động sinh hoạt...) đang tiềm ẩn rất lớn về nguy cơ cháy trên diện rộng, thậm chí có thể gây ra những thảm họa về môi trường, những hệ lụy môi trường là rất lớn có tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân trên địa bàn.
Từ ngày 28/9 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ cháy rừng (trong đó huyện Vân Đồn 3 vụ, huyện Ba Chẽ 1 vụ, thành phố Cẩm Phả 3 vụ và thành phố Hạ Long 1 vụ), với diện tích có rừng bị cháy khoảng 57,734ha.
Các địa phương đã huy động hơn 1.300 lượt người là lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội, lực lượng tại chỗ của phường trực tiếp tham gia chữa cháy rừng. Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo cùng các cơ quan chức năng điều tra để thiện hồ sơ xác định nguyên nhân và các vấn đề liên quan để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Thanh Khương cho hay, diện tích bị thiệt hại là rất lớn trên diện rộng nên việc tiếp cận hiện trường gặp không ít khó khăn do địa hình bị chia cắt, hiểm trở, hạ tầng cho lâm nghiệp còn hạn chế. Do đó việc thống kê, kiểm tra và đưa ra các phương án quản lý rừng và phòng chống cháy rừng sau bão số 3 gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Khương chia sẻ, còn đến gần 50% diện tích rừng trồng từ năm 2021-2023 bị gẫy đổ, giá trị lâm sản thu hồi sau bão cơ bản không đủ chi phí thu dọn. Việc này rất dễ dẫn đến tình trạng chủ rừng chủ động đốt để chuẩn bị trồng rừng, trong khi đó còn có hàng nghìn ha rừng tự nhiên liền kề các khu rừng trồng bị thiệt hại hiện nay bị gẫy ngọn, cành, tuốt rụng lá đang trong thời gian khô héo.
Do đó nguy cơ cháy lan trên diện rộng và cả diện tích rừng tự nhiên là rất lớn; sau bão khó thuê nhân công dọn dẹp, vệ sinh rừng, lượng nhân công thiếu, giá nhân công cao...
Hiện nay, ngành nông nghiệp và các địa phương tập trung tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm đến tất cả các chủ rừng là tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình cá nhân về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng bằng nhiều hình thức như: tự giác dọn dẹp, thu dọn rừng, chủ động làm đường băng cản lửa và xử lý thực bì bảo đảm quy định, tránh cháy tràn lan, thụ động... thông qua hệ thống thông tin cấp huyện, cấp xã, tuyên truyền lưu động đối với những ngày có nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên./.