Quảng Ninh chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng ở nông thôn, miền núi

Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Quảng Ninh triển khai 101 dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu do ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội ở vùng nông thôn, miền núi.

Tuyến Quốc lộ 18C từ Khu Kinh tế Cửa khẩu Móng Cái đến Khu Kinh tế Cửa khẩu Bắc Phong Sinh vừa hoàn thành. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)

Đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, tạo động lực quan trọng kéo giảm khoảng cách vùng miền, giàu nghèo và nâng cao đời sống của nhân dân luôn được tỉnh Quảng Ninh chú trọng trong những năm gần đây.

Tỉnh Quảng Ninh dành nhiều nguồn lực cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Chương trình tổng thể Phát triển Kinh tế-Xã hội gắn với đảm bảo vững chắc Quốc phòng-An ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh.

Mới đây, ngày 1/9/2023, chào mừng Quốc khánh 2/9 và kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh 30/10 (1963-2023), tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức gắn biển và khánh thành Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 341 (Quốc lộ 18C) từ Khu Kinh tế Cửa khẩu Móng Cái đến Khu Kinh tế Cửa khẩu Bắc Phong Sinh.

Tỉnh lộ 341 sau khi được cải tạo, nâng cấp trở thành tuyến đường quan trọng, kết nối các xã miền núi, biên giới của tỉnh, đi qua các xã vùng cao của thành phố Móng Cái và huyện Hải Hà. Với tuyến đường này, người dân đi từ Hải Sơn chỉ mất khoảng 30 phút là có thể xuống đến trung tâm thành phố Móng Cái, nếu đến thành phố Hạ Long, người dân có thể đi đường cao tốc chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ.

[Phân bổ ngân sách thực hiện mục tiêu phát triển vùng đồng bào thiểu số]

Mặc dù còn nhiều khó khăn về nguồn ngân sách, nhưng tỉnh Quảng Ninh luôn tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương; phát huy sức mạnh nội sinh để đầu tư các công trình động lực.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh chỉ đạo triển khai 101 dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu do ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư, trong đó có 20 dự án theo Nghị quyết số 06 và 81 dự án thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, tỉnh đã triển khai một số dự án giao thông kết nối vùng động lực với vùng khó khăn của tỉnh và các cửa khẩu như Đường nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành (cũ) huyện Tiên Yên; đường từ trung tâm huyện đi xã Quảng An (huyện Đầm Hà); đường nối từ Quốc lộ18 đến trung tâm xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà); nút giao cầu vượt cao tốc Hạ Long-Vân Đồn (thôn Trại Me, xã Sơn Dương đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm thuộc thành phố Hạ Long); cải tạo đường nối Quốc lộ18 đến trung tâm thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ); cải tạo, nâng cấp đường liên xã Húc Động-Đồng Văn, Cao Ba Lanh kết nối Quốc lộ18C (huyện Bình Liêu).

Ngoài ra, tỉnh cũng giao Sở Giao thông Vận tải lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

Cùng với giao thông, tỉnh dành nhiều nguồn lực đầu tư cho giáo dục, như phê duyệt Đề án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất ngành giáo dục đào tạo tỉnh giai đoạn 2022-2025, trong đó xác định mục tiêu ưu tiên cho các xã thuộc phạm vi quy định tại Nghị quyết số 06, nhất là các xã vừa ra khỏi diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020.

Cắt băng khánh thành Trường Trung học Phổ thông Bình Liêu. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 5/9, trước thềm năm học mới, tỉnh đã tổ chức gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh cho Trường Trung học Phổ thông Bình Liêu (huyện Bình Liêu).

Đây là một trong số 12 công trình tiêu biểu được Quảng Ninh lựa chọn gắn biển chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh, được triển khai từ việc cụ thể hóa Nghị quyết số 06. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu tới năm 2025, mỗi địa phương cấp huyện có một trường học công lập theo tiêu chí chất lượng cao ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông; mỗi thành phố, thị xã có một trường Trung học Phổ thông công lập theo tiêu chí chất lượng cao.

Về y tế, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng phê duyệt Đề án tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nâng cao năng lực cơ sở y tế tỉnh Quảng Ninh năm 2023 (giai đoạn 1) với tổng kinh phí 245 tỷ đồng; phê duyệt đề cương và giao Sở Y tế hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng và y tế điều trị; chất lượng chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021-2025.

Đối với hạ tầng viễn thông, đến nay tỉnh hoàn thành xây dựng và phát sóng 54 trạm (đạt 100% kế hoạch), đã phủ lõm sóng cho 66 thôn (đạt 100% kế hoạch). Đồng thời, triển khai hạ tầng, sẵn sàng cung cấp dịch vụ internet băng rộng cố định cho 113 thôn còn lõm cáp quang (đạt 100% kế hoạch).

Nhân viên Điện lực Tiên Yên nâng công suất hoán đảo máy biến áp. (Nguồn: Điện lực Quảng Ninh)

Về hạ tầng điện, tỉnh đã hoàn thành mục tiêu 100% hộ dân được sử dụng điện. Hiện toàn tỉnh có 438.670 hộ sử dụng điện lưới quốc gia, 210 hộ sử dụng điện năng lượng mặt trời an toàn.

Sở Công Thương đã phối hợp với các địa phương rà soát và thống kê 2.444 hộ dân đang sử dụng điện với chất lượng điện áp thấp, lưới điện có nguy cơ mất an toàn ở 6 địa phương gồm Đông Triều, Hạ Long, Tiên Yên, Ba Chẽ, Hải Hà, Đầm Hà.

Công ty Điện lực Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch nâng cấp, cải tạo hệ thống điện để đáp ứng chất lượng điện cho các hộ trong năm nay và năm 2024.

Liên quan đến hạ tầng văn hóa, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã giao các địa phương xây dựng trung tâm văn hóa-thể thao ở các xã chưa có, hoặc không còn sử dụng được.

Các địa phương đã triển khai xây dựng 4 nhà văn hóa-thể thao ở các xã: Quảng Lâm, Quảng Tân, Tân Bình (huyện Đầm Hà); Đại Dực, Đồng Rui, Hải Lạng (huyện Tiên Yên); Kỳ Thượng (Thành phố Hạ Long); Cái Chiên (huyện Hải Hà).

Còn lại 10 xã dự kiến tiếp tục xây dựng nhà văn hóa-thể thao và hoàn thành trước năm 2025.

Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh cũng xác định tiếp tục đầu tư hạ tầng thủy lợi, nước sinh hoạt... tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội./.

(Vietnam+)