Quảng Ngãi đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia Đền thờ Trương Định
Ngày 18/8, Quảng Ngãi tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 160 năm ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia Đền thờ Trương Định.
Ngày 18/8, tại Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 160 năm ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20/8/1864 - 20/8/2024) và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia Đền thờ Trương Định.
Anh hùng dân tộc Trương Định sinh năm 1820, ở làng Tư Cung, nay thuộc địa bàn xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi).
Năm 24 tuổi (năm 1844), ông theo cha vào Nam, chiêu mộ dân cày, khẩn hoang lập ấp, trở thành bậc tiền hiền mở đất khai cơ ở Gia Thuận (thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang ngày nay.
Năm 1854, Trương Định xuất tiền của chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền Gia Thuận. Ông được phong chức Phó Quản cơ, rồi Quản cơ.
Đến tháng 2/1859, khi quân Pháp tấn công thành Gia Định, Trương Định đem quân đồn điền tham gia chống giặc ngoại xâm cùng quân triều đình, lập được nhiều chiến công.
Năm 1862, triều đình ký hòa ước Nhâm Tuất, giao ba tỉnh miền Đông cho Pháp, hạ lệnh cho Trương Định bãi binh và đi nhận chức Lãnh binh ở An Giang, nhưng ông khẳng khái từ chối để ở lại tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp, được nhân dân mến mộ phong tặng danh hiệu “Bình Tây Đại nguyên soái.”
Rạng sáng 20/8/1864, giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp căn cứ của nghĩa quân nằm trên địa bàn hai xã Tân Phước và Gia Thuận (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) ngày nay. Trương Định bị trọng thương.
Quyết không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết khi vừa tròn 44 tuổi. Sự hy sinh của ông là tổn thất lớn đối với phong trào kháng chiến chống Pháp của nghĩa quân và nhân dân ta lúc bấy giờ.
Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định hy sinh, nhưng tên tuổi và sự nghiệp chống giặc, giữ nước của ông mãi mãi gắn chặt với mảnh đất Gò Công, là niềm tự hào của quê hương Tiền Giang, Quảng Ngãi và cả nước.
Để tưởng nhớ nhân cách, tài năng và công lao to lớn của Trương Định, nhân dân đã lập nhiều đền thờ, miếu thờ mang tên ông.
Tại Quảng Ngãi, Đền thờ Trương Định được xây dựng năm 2007, nằm dưới chân núi Đầu Voi, mặt quay về hướng Bắc với diện tích tổng thể là 26.668m2.
Năm 2014, Đền thờ Trương Định được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh. Đến năm 2023, được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn khẳng định, 160 năm đã trôi qua kể từ ngày anh hùng dân tộc Trương Định hy sinh, nhưng hình ảnh của người nghĩa quân và dấu ấn cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo vẫn mãi còn in đậm trong những trang sử vàng kháng chiến chống Pháp của Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung.
"Do đó, lễ tưởng niệm Anh hùng dân tộc Trương Định là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc của các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ; từ đó ra sức tu dưỡng, rèn luyện, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp,” ông Trần Hoàng Tuấn nhấn mạnh.
Để tỏ lòng thành kính với sự hy sinh của Anh hùng dân tộc Trương Định, các đại biểu cùng nhân dân địa phương đã đặt tràng hoa, dâng hương tưởng niệm.
Ngay sau lễ dâng hương, các bô lão, niên trưởng và bà con ở hai xã Tịnh Khê và Tịnh Thiện đã tổ chức lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định theo nghi thức truyền thống./.