Quảng Ngãi: Đặc sắc nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê ở Ba Tơ

Nghệ thuật trình diễn chiêng ba - Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia - khẳng định sắc thái văn hóa truyền thống độc đáo của tộc người Hrê ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.

Các nghệ nhân trình diễn chiêng ba. (Nguồn: Văn nghệ Quảng Ngãi)

Người Hrê sinh sống chủ yếu ở các huyện Ba Tơ, Sơn Hà và Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi, tuy nhiên, chỉ có người Hrê ở huyện Ba Tơ biết trình diễn chiêng ba.

Nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 609/QĐ-BVHTTDL ngày 3/2/2021.

Với người Hrê, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ mà còn mang yếu tố tâm linh. Cồng chiêng được coi như một tiêu chí để đo đếm độ giàu nghèo của gia đình và vị thế của gia chủ trong cộng đồng. Bộ chiêng được người Hrê cất giữ ở “góc thiêng” trong nhà, cũng là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, nơi chỉ riêng chủ nhà hướng đầu vào khi ngủ.

Theo quan niệm của người Hrê, cồng chiêng cũng được xem là vật “có hồn,” được trời ban cho, dùng để cầu xin thần linh ban cho những đều tốt đẹp và che chở cho làng bản, gia đình có cuộc sống bình an, cây trồng, vật nuôi, mùa màng sinh sôi phát triển. Người Hrê rất coi chỉ sử dụng bộ chiêng trong các ngày lễ trọng của cộng đồng và gia đình sau khi thực hiện nghi thức cúng hồn chiêng.

Đa số chiêng của người Hrê là dàn chiêng ba chiếc có kích cỡ không bằng nhau. Chiếc lớn có tên là chinh Vông hay chinh cha, chiếc nhỏ hơn là chinh Tum hay chinh mẹ, chiếc nhỏ nhất là chinh Túc hay là chinh con.

Đánh chiêng thì gọi là túc chinh. Khi trình diễn, chinh Vông được để nghiêng, chinh Tum để nằm, chinh Túc treo trên dây. Khi đánh thì chinh Tum đóng vai trò giữ nhịp, chinh Vông và chinh Túc theo giai điệu. Chinh cha và chinh mẹ đánh bằng nắm tay trần, chinh con đánh bằng nắm tay có quấn khăn để tiếng chiêng được ấm.

Khi diễn tấu dàn chinh ba chiếc, nghệ nhân ngồi ở vị trí ổn định, không di chuyển. Nơi diễn tấu thường là đầu tra - gian khách phía trước của nhà sàn.

Trình diễn chiêng ba của người Hrê. (Nguồn: Truyền hình Quảng Ngãi)

Để sử dụng cồng chiêng, sáng sớm ngày đầu năm, chủ nhân bộ chiêng thực hiện nghi thức cúng chiêng. Người Hrê dùng lá mâm xôi, bông cỏ may lót dưới lưng chinh làm vũ khí chống ác quỷ.

Khi hành lễ, chủ nhà cắt tiết gà nhỏ vào bụng chinh, theo thứ tự: chinh Vông (chinh cha) trước, sau đến chinh Tum (chinh mẹ) và chinh Túc (chinh con). Sau đó người ta cho chinh ăn bánh tét, uống nước suối nguồn, uống rượu cần, ăn lá ré, rồi chủ nhà đánh vang tiếng chinh để chào đón năm mới.

Theo các nghệ nhân cao tuổi, khi đánh chinh không được để đứt dây, làm rớt chinh và tránh làm vỡ chinh. Chính vì thế, trước khi sử dụng chinh, người ta phải kiểm tra độ chắc của dây treo. Khi đổi chiếc chinh cho nhau trong quá trình trình diễn, tránh va chạm, vì họ cho rằng chinh va chạm là “cắn nhau” sẽ không tốt.

Về kỹ thuật diễn tấu, người Hrê diễn tấu bằng tay (không dùng dùi), cộng với thủ pháp búng, gõ bằng ngón tay rất độc đáo.

Nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê huyện Ba Tơ là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. (Nguồn: Truyền hình Quảng Ngãi)

Trong nghi lễ và sinh hoạt văn hóa, người Hrê có cách thức trình diễn đa dạng. Nếu là lễ hội vui chơi của cộng đồng và gia đình như: mừng nhà mới, đám cưới... thì người ta thường trình diễn chiêng theo giai điệu ngẫu hứng, ứng tác và hòa tấu chiêng để tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong gia đình và cộng đồng.

Nếu là lễ hội của cộng đồng như lễ ăn trâu, cầu mùa... thì người ta diễn tấu chiêng theo các bài chinh cầu mùa như: điệu Túc K’oa (tiếng ếch nhái), Túc H’lay (tiếng thác đổ) và Túc Tuguốc (tiếng chim báo mưa).

Nghệ thuật trình diễn chiêng ba lưu giữ những giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với các nghi thức tín ngưỡng, lễ hội của cộng đồng, khẳng định sắc thái văn hóa truyền thống độc đáo của tộc người Hrê ở Ba Tơ.

Những quan niệm và lễ tục của người Hrê liên quan đến sinh hoạt văn hóa cồng chiêng phản ánh đời sống văn hóa tín ngưỡng khá đa dạng, phong phú, làm nên bản sắc văn hóa tộc người, góp phần bảo vệ và phát huy di sản cồng chiêng./.