Quảng Ngãi: Các dự án phát triển góp phần thay đổi diện mạo ở huyện đảo Lý Sơn
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu giúp người dân thuận lợi trong lưu thông, sản xuất.
Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu giúp người dân thuận lợi trong lưu thông, sản xuất, thụ hưởng các chính sách, nguồn lực đầu tư vùng bãi ngang ven biển, nâng cao đời sống.
Tuyến đường giao thông nông thôn từ cồn An Vĩnh đi thắng cảnh cổng Tò Vò được huyện Lý Sơn nâng cấp, cải tạo đưa vào sử dụng tháng 12/2022.
Công trình có mức đầu tư hơn 3 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Nhờ đó, 203 hộ nghèo và 76 hộ cận nghèo thôn Tây An Vĩnh đã được hưởng lợi từ dự án.
Bà Đặng Thị Dung (thôn Tây An Vĩnh) cho biết trước đây, tuyến đường cồn An Vĩnh xuống cấp, nhiều ổ gà khiến người dân đi lại rất vất vả. Vừa qua, tuyến đường đã được huyện đầu tư, nâng cấp, mặt đường được thảm bêtông, các cống trụ được thay mới cùng với điện thắp sáng giúp người dân đi lại thuận tiện.
Ông Huỳnh Xuân Phương (thôn Tây An Vĩnh) chia sẻ tuyến giao thông cồn An Vĩnh được nâng cấp kết hợp với tuyến đường cơ động mới được xây dựng tạo thuận tiện cho du khách đến tham quan danh thắng cổng Tò Vò.
Ngoài các dự án giao thông nông thôn, huyện Lý Sơn còn quan tâm đầu tư hạ tầng giáo dục, thiết chế văn hóa, nhất là hạ tầng điện phục vụ sản xuất giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Công trình điện chiếu sáng phục vụ sản xuất trên đồng An Hải và An Vĩnh gồm 14 tuyến với kinh phí đầu tư 4 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện làm chủ đầu tư.
Công trình có chiều dài 4.557m gồm hệ thống dây, cáp ngầm, cột thép, bóng đèn led.
Ông Phạm Ái Việt (thôn Đông An Vĩnh) có 4 sào đất trồng hành, tỏi trên đồng Rừng, thôn Đông An Vĩnh. Theo ông Việt, trước đây khi chưa có công trình hạ tầng điện, người dân muốn tưới nước cho cánh đồng hành, tỏi phải dùng máy dầu bơm nước với chi phí cao.
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Lý Sơn đã đầu tư dựng trụ, kéo điện từ khu dân cư ra các cánh đồng sản xuất.
Giờ đây, người dân chỉ cần mua dây điện kéo về đồng ruộng, lắp máy bơm tưới nước cho cây trồng. Chi phí cho sản xuất tiết kiệm hơn khiến người dân Đông An Vĩnh rất phấn khởi.
Thực hiện Dự án 1 về Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo (Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025), trong hai năm 2022 và 2023, huyện Lý Sơn đã đầu tư xây mới và sửa chữa 32 công trình hạ tầng trên đảo; trong đó có hơn 10 dự án nâng cấp, cải tạo đường giao thông nông thôn.
Các dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, nhất là những người nghèo, hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.
Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lý Sơn khẳng định nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững có tác động rất lớn đến việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, là kênh rất quan trọng để huyện lồng ghép cùng các nguồn vốn, chương trình khác đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
“Trong quá trình đầu tư, huyện Lý Sơn đặc biệt quan tâm rà soát nhu cầu của người dân, cộng đồng dân cư để các công trình, dự án sau khi được đưa vào sử dụng sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia đóng góp nguồn lực, công lao động, hiện vật, hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn, thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương. Qua đó, tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nâng cao mức thụ hưởng của người dân,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lý Sơn nhấn mạnh./.