Quảng Nam: Khó khăn trong quản lý chuyển nhượng, sử dụng nhà cổ
Phần lớn những ngôi nhà cổ đã chuyển nhượng được khai thác tối đa cho mục đích kinh doanh khiến không gian truyền thống bị thay đổi và công tác quản lý cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê, trong vòng 5 năm qua, tại thành phố Hội An (Quảng Nam) đã có hơn 100 ngôi nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân bị bán, chuyển nhượng lại.
Sau khi chuyển nhượng, phần lớn những ngôi nhà này được khai thác tối đa cho mục đích kinh doanh, khiến không gian truyền thống bị thay đổi và công tác quản lý cũng gặp nhiều khó khăn.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Hội An Phạm Phú Ngọc chia sẻ trước đây nhà cổ ở thành phố Hội An chủ yếu được sử dụng vào mục đích để ở. Du lịch phát triển, ngoài nhu cầu sinh hoạt, nhà cổ Hội An còn được chủ sở hữu khai thác vào mục đích kinh doanh, buôn bán.
[Nhiều nhà cổ tại Hội An trước nguy cơ bị sụp đổ]
Do công năng sử dụng nhà cổ Hội An trong cuộc sống hiện đại thay đổi nên không gian truyền thống nhà cổ thay đổi từng ngày, không còn nét cổ kính đặc trưng như xưa.
Có trường hợp mua lại nhà cổ ở Hội An không phải để ở mà mua để cho thuê lại. Do vậy đã có trường hợp nhà cổ ở thành phố Hội An bị hỏa hoạn trong đêm, song công tác chữa cháy gặp khó khăn vì nhà khóa cửa, không có người ở.
Khắc phục tình trạng này, thành phố Hội An sẽ yêu cầu những người từ địa phương khác đến mua nhà khu phố cổ để cho thuê lại phải bố trí người ở ban đêm. Những nhà không có người ngủ lại, thành phố sẽ không cho kinh doanh.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh cho biết du lịch phát triển đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao thu nhập và đời sống cho cộng đồng dân cư, song cũng tạo sức ép lớn cho công tác quản lý, bảo vệ di sản nói chung.
Do đó, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ “Quy chế bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An” do Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành, thành phố Hội An thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân, cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là cộng đồng cư dân đang sinh sống, kinh doanh trong Khu phố cổ về những giá trị đặc biệt của nhà cổ, không gian phố cổ, để cộng đồng chung sức bảo vệ di sản. Đây cũng chính là cách ứng xử nhân tình thuần hậu của người Hội An với Di sản.
Mặt khác, thành phố Hội An còn phối hợp với các ngành chức năng, các nhà khoa học tiến hành khảo sát, đánh giá công năng sử dụng của nhà cổ, nhất là những ngôi nhà tiêu biểu như nhà số 101 đường Nguyễn Thái Học, nhà số 77, nhà số 129 Trần Phú, nhà số 4 Nguyễn Thị Minh Khai để đưa ra các giải pháp phù hợp trong quá trình vừa sử dụng làm nhà ở, vừa sử dụng vào mục đích kinh doanh, giữ gìn và phát huy bền vững không gian cổ xưa của Di sản Hội An được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Thành phố Hội An có 1.432 di tích, trong đó có 28 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh và 1.358 di tích nằm trong danh mục bảo vệ. Đây là bảo tàng sống, bảo tàng về lịch sử, kiến trúc, được chính quyền và cộng đồng cư dân Hội An trân trọng giữ gìn./.