Quảng Nam: Bổ sung các mỏ vật liệu giải quyết yêu cầu cấp bách

Tỉnh Quảng Nam triển khai hàng loạt công trình quy mô lớn nhưng nguồn cung vật liệu xây dựng khan hiếm do trước đó, hàng trăm mỏ vật liệu đã bị loại bỏ khỏi quy hoạch.

(Ảnh minh họa: Chu Hiệu/TTXVN)

Quảng Nam được đánh giá là địa phương có tiềm năng lớn về vật liệu xây dựng thông thường như cát, sỏi, đất đắp, song do việc quy hoạch không có tính khả thi, hàng trăm mỏ vật liệu bị loại bỏ, khiến nguồn cung về vật liệu xây dựng trở nên khan hiếm, trong lúc địa phương đang triển khai hàng loạt công trình có quy mô lớn.

Vì vậy đi cùng với việc loại bỏ các mỏ không có tính khả thi, tỉnh Quảng Nam bổ sung nhiều mỏ vật liệu có tính khả thi cao để giải quyết nhu cầu cấp bách về vật liệu xây dựng cho nhu cầu trước mắt và lâu dài.

Sau tàn phá nặng nề của sạt lở núi và lũ quét vào năm 2020, Trường Trung học cơ sở liên xã Phước Chánh-Phước Công, nhà hiệu bộ, nhà ở cho học sinh và giáo viên của trường này đã được xây mới tại vị trí an toàn, sẵn sàng đưa vào sử dụng trong năm học mới 2023-2024.

Cách đó không xa, sau khi giải quyết được nguồn vật liệu, cây cầu bắt qua suối Xà Ka bị nước lũ cuốn trôi đã thi công hoàn thành.

Các công trình chống sạt lở bờ sông, sạt lở núi đang được gấp rút thi công những hạng mục cuối cùng để đảm bảo đi lại an toàn cho người dân địa phương và con em đến trường trong mùa mưa lũ.

Kỹ sư Nguyễn Trường Thiên, đơn vị thi công các công trình chống sạt lở nhằm bảo vệ trường Trung học Cơ sở liên xã Phước Chánh-Phước Công cho biết sau khi giải quyết được nguồn vật liệu, hơn hai tháng qua, đơn vị tập trung tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ nhằm đưa các công trình vào sử dụng đúng tiến độ.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phước Sơn Lê Quang Trung chia sẻ, từ đầu năm đến nay, giá các loại vật liệu tăng cao. Riêng tại Phước Sơn, giá vật liệu tăng gấp 2 lần so với dự toán được duyệt. Điều này khiến nhiều đơn vị thi công, nhiều nơi thi công cầm chừng, khiến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm so với yêu cầu.

[Khan hiếm vật liệu xây dựng làm cao tốc: Bộ TN-MT đưa ra giải pháp gì?]

Khắc phục tình trạng này, huyện Phước Sơn đã làm việc với các đơn vị cung cấp vật liệu, các chủ mỏ vật liệu xây dựng đã trúng thầu nhanh chóng triển khai các thủ tục cần thiết để sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho khai thác. Nhờ vậy, tình trạng khan hiếm về vật liệu xây dựng thông thường đã cơ bản được giải quyết.

Sau một thời gian thi công cầm chừng vì vướng mặt bằng, khan hiếm vật liệu xây dựng, giá vật tư tăng cao, đến nay các công trình chống sạt lở ven sông, các khu tái định cư cho đồng bào ở vùng thường xuyên bị sạt lở núi ở các xã vùng cao Phước Chánh, Phước Thành, Phước Công, Phước Lộc đang được huyện Phước Sơn yêu cầu các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để vừa đảm bảo vượt lũ trước mùa mưa lũ năm nay.

Đồng thời, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phước Sơn cho biết thêm.

Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi, là khu vực chiếm tỷ lệ vốn đầu tư công khá cao trong tổng số gần 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2023. Tuy nhiên đến giữa tháng 8/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của khu vực này chỉ mới đạt bình quân hơn 35%.

Một trong những nguyên nhân khiến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Nam nói chung và khu vực miền núi nói riêng chưa đạt yêu cầu là do khan hiếm về nguồn cung vật liệu xây dựng.

Do vậy, việc loại bỏ các quy hoạch mỏ vật liệu không có tính khả thi, đồng bổ sung các mỏ có tính khả thi để giải quyết khó khăn về vật liệu là yêu cầu cấp bách của tỉnh Quảng Nam.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết xác định việc thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường là một trong những nguyên nhân chánh khiến tốc độ thi công không đạt yêu cầu, tỷ lệ vốn giải ngân còn thấp, tỉnh đã chỉ đạo rà soát để loại bỏ và bổ sung các mỏ vật liệu xây dựng.

Tỉnh đã loại bỏ 107 mỏ khỏi quy hoạch vì không có tính khả thi, thay vào đó là bổ sung các mỏ có tính khả thi.

Tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư, các địa phương căn cứ vào nhu cầu thực tế để đề xuất khối lượng càn thiết để chỉ định khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng công trình. Trên cơ sở đó, hướng dẫn các địa phương tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thật sự để tham gia đấu thầu cung cấp nguồn vật liệu.

Cùng đó, chỉ đạo các ban quản lý của tỉnh và của các địa phương căn cứ vào nhu cầu sử dụng vật liệu một cách cụ thể trong thời gian hiện tại và trong từng năm tới để đăng ký để cơ quan có thẩm quyền cho phép khai thác thêm một số mỏ để đáp ứng nhu cầu, nhất là với các công trình trọng điểm.

Tỉnh kiên quyết loại bỏ khỏi quy hoạch hàng trăm mỏ vật liệu xây dựng không có tính khả thi, thay vào đó là bổ sung các mỏ có tính khả thi cao. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, giám sát, đấu thầu đúng quy định của Nhà nước về cung cấp vật liệu xây dựng thông thường theo nhu cầu của từng địa phương, từng công trình, được xem là giải pháp khả thi nhất của tỉnh Quảng Nam để giải quyết một cách căn cơ nhu cầu về vật liệu xây dựng trong hiện tại và những năm tiếp theo./.

Đoàn Hữu Trung (TTXVN/Vietnam+)