Quận Tây Hồ: Phong cảnh hữu tình bao bọc "báu vật ngàn năm"
Quận Tây Hồ là một tập hợp những vùng đất bao bọc quanh Hồ Tây, với khí hậu mát mẻ, đất đai trù phú, cùng nhiều làng cổ lâu đời với những nghề thủ công truyền thống mang đậm dấu ấn đồng bằng Bắc Bộ.
Như chính cái tên của mình, quận Tây Hồ là một tập hợp những vùng đất bao bọc quanh Hồ Tây, với khí hậu mát mẻ, đất đai trù phú, cùng nhiều làng cổ lâu đời với những nghề thủ công truyền thống mang đậm dấu ấn đồng bằng Bắc Bộ.
Về địa lý, quận nằm ở phía Tây Bắc thủ đô Hà Nội; phía Đông giáp quận Long Biên; phía Tây giáp quận Bắc Từ Liêm và quận Cầu Giấy; phía Nam giáp quận Ba Đình; phía Bắc giáp huyện Đông Anh.
Lịch sử hình thành và phát triển
Xưa kia vùng đất Tây Hồ thuộc huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Nội. Trước năm 1945, Tây Hồ là phần đất của đại lý Hoàn Long thuộc ngoại thành Hà Nội.
Đến năm 1961, vùng đất Tây Hồ một phần thuộc về khu phố Ba Đình và một phần đất thuộc về huyện Từ Liêm cũ.
Ngày 28/10/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 69/CP về việc thành lập quận Tây Hồ thuộc thành phố Hà Nội trên cơ sở tách 3 phường Bưởi, Thụy Khuê, Yên Phụ của quận Ba Đình và 5 xã Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng An, Xuân La, Phú Thượng của huyện Từ Liêm cũ.
Tổ chức bộ máy của Quận chính thức đi vào hoạt động từ tháng 01/1996. Sau khi điều chỉnh quận Tây Hồ gồm 8 phường và giữ ổn định cho đến ngày nay.
Các đơn vị hành chính quận gồm 8 phường Bưởi, Nhật Tân, Phú Thượng, Quảng An, Tứ Liên, Thụy Khuê, Xuân La, Yên Phụ.
Văn hóa, di tích danh thắng
Tây Hồ là một vùng đất có bề dày lịch sử, gắn liền với sự phát triển của Thăng Long-Hà Nội.
Trên địa bàn có 63 di tích và dấu tích lịch sử văn hóa từ ngàn đời xưa, góp phần bồi đắp nên tinh hoa văn hóa Thăng Long-Hà Nội.
Tiêu biểu như chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, chùa Vạn Niên, chùa Tảo Sách, chùa Ức Niên, chùa Kim Liên, đình Yên Phụ, đền Đồng Cổ, đình Phú Gia...
Xung quanh Hồ Tây có nhiều làng cổ với nhiều nghề truyền thống như trồng hoa, cây cảnh, nuôi cá cảnh... Dù trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nhưng các làng nghề vẫn tồn tại cùng thời gian.
Hồ Tây là khu vực có hệ thống di sản, di tích đậm đặc. Chỉ riêng khu vực quanh hồ Tây hiện còn có hơn 20 ngôi đình, đền, chùa được xếp hạng với nhiều di tích nổi tiếng.
Cứ mỗi khi Xuân về, những di tích ấy thu hút hàng vạn khách thập phương trong và ngoài nước đến vãn cảnh, tham quan lễ chùa.
Hồ Tây
Là một phần của sông Hồng chuyển dòng tạo thành hồ, với diện tích rộng lớn, lịch sử lâu đời, Hồ Tây mang rất nhiều sự tích, huyền sử.
Từ tên gọi đầm Xác Cáo gắn liền với thời Lạc Long Quân đến những Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Tây Hồ, Đoài Hồ…, mỗi cái tên trong lịch sử của Hồ Tây lại gắn với một thời đại, một nhân vật, một sự tích, một sự kiện từ thời xa xưa, dù đã bị khói sương thời gian che mờ, nhưng ánh sáng thần thoại tiếp tục được lưu truyền sang các thế hệ sau.
Nhìn từ trên cao, hồ Tây có hình dáng giống chiếc càng cua với góc phía Đông được bao quanh bởi đường Thanh Niên - tuyến đường ngăn cách giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Mặt nước mênh mông đỏ rực sắc hoàng hôn là hình ảnh kinh điển đã đi vào thơ ca, âm nhạc, hội họa, điện ảnh… như một biểu tượng của sự lãng mạn.
Hồ Tây còn phong phú sản vật, trong đó đặc biệt có sen Hồ Tây. Sen Hồ Tây khác với những loại sen nơi khác bởi lớp cánh kép khiếp bông hoa dầy hơn. Nhụy hoa sen ướp trà sẽ có được món trà sen đặc sản và cao cấp chỉ dành đế tiếp đón khách quý. Lá sen bọc xôi, bọc gà hấp thành những đặc sản tao nhã mang đậm chất kinh kỳ.
Ốc và tôm Hồ Tây làm nên hai món đặc sản riêng của đất Hà Nội là bánh tôm và bún ốc, là món ăn ngon đặc biệt khi thưởng thức ở ven bờ hồ lộng gió.
Hồ Tây là “Báu vật của quốc gia.” Nơi này đã, đang và sẽ có những giá trị quan trọng không chỉ cho Tây Hồ, Thủ đô Hà Nội mà còn cho cả nước.
Chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc là một ngôi chùa tuyệt đẹp nằm trên một hòn đảo nhỏ ở phía Đông Hồ Tây. Đây được coi là một trong những ngôi chùa cổ nhất tại Việt Nam, từng là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long thời kỳ Lý Trần, và là nơi ghé thăm của các tín đồ Phật giáo trên cả nước.
Nối với bờ bằng một đoạn đường ngắn với hai hàng cây cau, chùa Trấn Quốc như một hòn đảo nhỏ cổ kính nổi trên mặt nước với phong cảnh vừa đẹp đẽ vừa yên bình, làm khách thập phương thấy tâm hồn thư thái hơn, tầm mắt cũng như rộng mở hơn, quên hết mọi buồn lo.
Điều đặc biệt ở chùa Trấn Quốc là Bảo tháp Lục độ Đài sen có 11 tầng và cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh tháp cũng có đài sen 9 tầng cũng bằng đá quý.
Phủ Tây Hồ
Phủ Tây Hồ có thể được xem là một trong những chốn linh thiêng nhất trong hệ thống đền chùa của Hà Nội, luôn đông đúc người dân Hà Nội và khách thập phương, đặc biệt trong những ngày rằm, mùng Một và ngày lễ, Tết.
Phủ Tây Hồ thuộc thôn Tây Hồ, trước là đất một làng cổ của kinh thành Thăng Long nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Phủ nằm trên bán đảo lớn của làng Nghi Tàm, nhô ra giữa Hồ Tây, chỉ cách trung tâm Thủ đô khoảng 4km về phía Tây.
Phủ Tây Hồ thờ Chúa Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Thánh Mẫu), là vị thánh của tín ngưỡng tứ phủ, mà bản chất là tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng có cội nguồn lâu đời và độc đáo của Việt Nam.
Xung quanh khu vực phủ là một dãy những quán ăn phục vụ du khách, trong đó nổi bật là bún ốc và bánh tôm được làm từ những sản vật của Hồ Tây.
Chùa Tảo Sách
Nằm bên hồ Tây xinh đẹp suốt nhiều thế kỷ, chùa Tảo Sách còn gọi là Tào Sách, tên chữ Linh Sơn Tự, có từ thế kỷ thứ 16 như một “kho sử liệu” với nhiều di vật và tư liệu lịch sử quý giá về sự tồn tại và phát triển của tông phái Tào Động - một trong 5 tông phái lớn của Thiền tông xuất hiện từ khá sớm ở Việt Nam.
Điểm đặc biệt của ngôi chùa này là kiến trúc pha trộn giữa kiến trúc Trung Hoa và kiến trúc cung đình Huế.
Sự tích về chùa gắn liền với câu chuyện lịch sử về hoàng tử Uy Linh Lang - con trai Vua Trần Thánh Tông và Hoàng hậu Minh Đức. Hoàng tử có một căn nhà nhỏ ven hồ Tây, nơi mà ngài thường xuyên lui đến để đọc sách, ngâm vịnh thi phú, cùng bạn bè rèn văn, luyện võ.
Khuôn viên của chùa rộng lớn, cảnh quan nên thơ, trước mặt là Hồ Tây lộng gió, rất thích hợp làm nơi thanh tịnh để cho tâm hồn bình lặng, thảnh thơi giữa di tích lịch sử, văn hóa bình dị mà vô giá.
Những làng hoa, cây cảnh
Quận Tây Hồ là nơi tụ họp của nhiều làng hoa. Những làng hoa cảnh, cây cảnh bao quanh Hồ Tây như những viên ngọc quý xinh đẹp trang trí cho mặt gương khổng lồ.
- Làng hoa Nghi Tàm
Nghi Tàm là một trong ba làng cổ của phường Quảng An, quận Tây Hồ. Nghi Tàm xưa nức tiếng là một làng hoa đẹp nhất nhì đất kinh kỳ. Tuy nhiên, dưới sức ép của đô thị hóa, làng hoa Nghi Tàm đã dần phải thu hẹp lại, nhường chỗ cho những tòa nhà, con đường.
Nhưng vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về, Nghi Tàm lại trở thành một chợ hoa đông đúc, nhộn nhịp, vừa là địa điểm cho người dân Hà Nội dạo chơi, chup ảnh, lại vừa như nhắc nhở về một quá khứ huy hoàng xa xưa.
- Làng hoa Tứ Liên
Nằm ngay gần cửa ô Yên Phụ, ngược đê sông Hồng, làng hoa Tứ Liên tọa lạc tại một bãi bồi bát ngát ven sông Hồng, kề sát làng hoa quất cảnh Nghi Tàm.
Không chỉ trồng hoa trên các cánh đồng, tại đây, mỗi mảnh vườn, góc sân, sân thượng đều được tận dụng làm nơi ươm cây, chiết cành, uốn tỉa cây cảnh, làm nên vẻ đẹp đặc biệt của miền đất cổ kính này.
- Làng đào Nhật Tân
Cũng như Nghi Tàm, hiện nay hoa được trồng tại Nhật Tân không còn nhiều, chủ yếu là các loại hoa đồng nội như đồng tiền, cúc, thược dược. Nhưng mỗi năm một lần, từ giữa tháng chạp, các vườn đào Nhật Tân lại rực lên sắc hồng trong nắng, chuẩn bị đón không khí nhộn nhịp, náo nức của ngày Tết cổ truyền.
Đào Nhật Tân dù không còn nhiều cây chính gốc nhưng thương hiệu “đào Nhật Tân” vẫn còn như một dòng ký ức không thể thiếu của bức tranh Hà Nội xưa và nay.
- Làng hoa Quảng Bá
Gọi là làng hoa, nhưng nơi này chủ yếu trồng quất. Cây ở đây không sai quả mà quả rất to, khi chín vàng rực nổi bật giữa những tán lá xanh. Nơi này cũng đặc biệt nhộn nhịp đông vui vào dịp Tết, khi người dân Hà Nội và cả du khách thập phương đến lựa chọn những cây dáng đẹp, quả to, nhiều lộc về trưng bày với mong ước về một năm mới đầy đủ, ấm no.
- Làng đào Phú Thượng
Làng đào Phú Thượng từ lâu đã nổi tiếng với nghề bán xôi, làm rượu nếp, bánh trôi… nhưng đặc biệt hơn cả là nghề trồng đào truyền thống và đặc trưng nhất của làng.
Địa điểm vui chơi
Vẻ đẹp thơ mộng hiếm có của Hồ Tây đã khiến những con đường ven bờ hồ trở thành một địa điểm thu hút đông đảo người dân tới nghỉ ngơi, hóng mát, với hàng loạt quán càphê, nhà hàng, với những con đường “check-in” tuyệt đẹp.
Thung lũng hoa Hồ Tây
Một khu vực diện tích lớn đã được đầu tư trồng hoa, xây dựng những ngôi nhà nhỏ xinh xắn, những xích đu, cầu vượt thơ mộng, thu hút không chỉ những bạn trẻ mà người dân mọi lứa tuổi đến để tìm cho mình những khung hình đáng nhớ. Ngoài ra, khu vực nhà hàng cũng được đầu tư cẩn thận với những món ăn mang đậm hương vị Hồ Tây như trà sen, xôi bọc lá sen…
Công viên nước Hồ Tây
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, Hà Nội chưa có một khu vui chơi giải trí hiện đại nào xứng tầm với vị thế của Thủ đô, trong khi đó nhu cầu vui chơi của người dân Thủ đô và các tỉnht hành phía Bắc là rất lớn.
Trước thực tế này, các nhà đầu tư đã nảy ra ý tưởng phải xây dựng một tổ hợp vui chơi giải trí hiện đại tại Hồ Tây để đáp ứng nhu cầu vui chơi chính đáng của người dân.
Vào năm 2001, công viên nước Hồ Tây chính thức mở cửa, trở thành điểm đến mát lạnh và rực rỡ sắc màu cho người dân thủ đô những ngày nắng nóng, và vẫn tiếp tục thu hút khách cho đến ngày hôm nay.
Thuộc chuỗi nhà hàng buffet đầu tiên ở Hà Nội, với những món ăn đa dạng, không gian sang trọng, phong cách phục vụ chu đáo, Sen Hồ Tây là địa điểm được lựa chọn cho những buổi tiệc có tầm quan trọng của các công ty, cũng là điểm đến của các gia đình muốn có đủ không gian rộng lớn cho cả người lớn và trẻ em./.