Quan tâm hơn đến đội ngũ người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Thường trực Ban Bí thư lưu ý các địa phương cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến đội ngũ người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy vai trò trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách.
Chiều 27/6, tại huyện Tân Lạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cùng Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã có buổi tiếp xúc với cử tri các xã, thị trấn của địa phương sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, bà Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách Khóa XV, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và thông tin kết quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại Kỳ họp.
Cử tri huyện Tân Lạc đã kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội một số vấn đề như đầu tư hạ tầng để phát triển du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện; xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành văn hóa để quản lý, nghiên cứu, thực hành các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; quan tâm hỗ trợ nhà văn hóa tại khu dân cư; xây dựng thể chế, quy định thực thi pháp luật trong công cuộc chuyển đổi số; tạo khuôn khổ an toàn trong giao dịch trên môi trường mạng.
[Làm rõ trách nhiệm về chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số]
Cử tri huyện Tân Lạc mong muốn Quốc hội và tỉnh Hòa Bình cần quan tâm đến đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân và giá đền bù giải phóng mặt bằng…
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai ghi nhận, giải đáp những kiến nghị của cử tri liên quan đến việc sắp xếp cán bộ sau khi sáp nhập ở những nơi còn chưa đạt tiêu chí. Theo đó, việc tăng thêm số lượng công chức, cán bộ chuyên trách cấp xã cần căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên để bảo đảm sát với thực tế, đồng thời có sự hỗ trợ cụ thể, tăng phụ cấp cho cán bộ kiêm nhiệm.
Thường trực Ban Bí thư lưu ý các địa phương cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến đội ngũ người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó phát huy vai trò của người có uy tín trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đối với một số kiến nghị khác liên quan đến thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Đoàn sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết.
Trước đó, trong hai ngày 26 -27/6, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã có buổi tiếp xúc với cử tri hai huyện Kim Bôi và Đà Bắc.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri hai huyện đã kiến nghị với Đoàn về vấn đề nâng mức phụ cấp cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, cán bộ y tế thôn, bản; giảm tỷ lệ vốn đối ứng trong các Chương trình mục tiêu quốc gia; quan tâm kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở; hỗ trợ nhà ở cho đối tượng chính sách, người có công; có chế tài ngăn chặn việc khai thác giun đất tự nhiên; hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho những trường hợp làm công tác Mặt trận, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn.
Cử tri huyện Đà Bắc mong muốn tỉnh Hòa Bình hỗ trợ kinh phí chi trả bảo vệ rừng; rà soát lại quy hoạch 3 loại rừng đối với các xã vùng hồ thuộc huyện Đà Bắc và có chính sách hỗ trợ cho các xã vùng ATK; xem xét việc quy hoạch cụm công nghiệp tại xã Tú Lý làm thu hẹp diện tích đất sản xuất của người dân.
Tại các buổi tiếp xúc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình tiếp thu những kiến nghị của cử tri; giải đáp một số kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương. Đối với những kiến nghị không thuộc thẩm quyền giải quyết, Đoàn tổng hợp, trình Quốc hội, Chính phủ và cơ quan chức năng của Trung ương xem xét, giải quyết.
Nhân dịp này, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp với Tập đoàn Masan, Kiểm toán Nhà nước, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tặng 300 suất quà cho các hộ nghèo, chính sách; tặng 70 chiếc xe đạp và 50 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn các huyện Kim Bôi, Đà Bắc và Tân Lạc./.