Quan ngại về thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng: Cần hướng giải quyết toàn diện
Theo các chuyên gia, đưa thuốc lá mới vào diện quản lý được kỳ vọng sẽ góp phần giúp giải quyết các vấn đề xã hội nói chung và quan ngại của Bộ Y tế nói riêng về các tác động ngoại ý của sản phẩm này.
Tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng từ thị trường chợ đen ngày càng “nóng,” nhất là trong bối cảnh đã xảy ra một số hệ lụy về sức khỏe và các vấn đề xã hội liên quan đến việc sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ.
Trong bối cảnh đó, Bộ Y tế cho rằng cần cấm các sản phẩm này để ngăn chặn sử dụng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Cùng chung mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, lập hàng rào pháp lý để ngăn chặn luồng hàng lậu, hàng giả tấn công vào người dùng, câu dẫn giới trẻ, Bộ Công Thương đề xuất cần có biện pháp lâu dài, dung hòa lợi ích về mặt sức khỏe xã hội, cộng đồng, cũng như hệ thống quản lý bền vững đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong tương lai.
Đề xuất này của Bộ Công Thương cũng nhận được sự đồng tình của nhiều Bộ, ngành.
Hiệu quả từ lệnh cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng tại 5 quốc gia ASEAN ra sao?
Thực tế cho thấy chính phủ 5 nước ASEAN áp dụng lệnh cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, gồm Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia, Brunei vẫn không ngừng lo lắng về tình trạng số vụ vi phạm liên quan tăng theo cấp số nhân mỗi năm, mặc dù đã áp dụng khung hình phạt cao (từ phạt tiền đến phạt tù) cho các hành vi buôn bán, sử dụng sản phẩm.
Là một trong những quốc gia cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng từ rất sớm, Thái Lan vẫn đang đối diện với tình trạng bành trướng của mặt hàng này.
Cơ quan Hải quan Trung Quốc công bố trong năm 2023 nước này đã xuất khẩu sang Thái Lan tổng số thiết bị và tinh dầu thuốc lá điện tử trị giá trên 45 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng), bất chấp lệnh cấm nhập khẩu.
Tại Singapore, chính sách cấm sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng từ năm 2018 cũng không chứng minh được hiệu quả, đặc biệt là tỷ lệ sử dụng của giới trẻ ngày càng tăng.
Tháng 10/2023, ông Miliki Osman - Bộ trưởng thứ hai Bộ Giáo dục Singapore báo cáo trước Quốc hội rằng số học sinh sử dụng thuốc lá điện tử tăng từ dưới 50 ca (2018-2019) lên 800 ca trong năm 2022, gấp 16 lần sau ba năm.
Lào và Campuchia cũng công bố tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ liên tục gia tăng.
Lệnh cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng tại Brunei thì lại gây nhiều bối rối khi thực thi. Thuốc lá điện tử được phân loại là sản phẩm “nhái” thuốc lá nên bị cấm bán, nhập khẩu theo Đạo luật Thuốc lá (2005).
Trong khi đó, việc sử dụng thuốc lá điện tử tại những khu vực được phép hút thuốc lá là hợp pháp, dù hành vi mua hoặc mang thuốc lá điện tử vào Brunei là phạm pháp.
Ngoài ra, thuốc lá điện tử có thể được tìm thấy trong cũng được bày bán các cửa hàng trên toàn Brunei, dù về luật thì đây là hành vi phạm pháp.
Nếu cấm không phải là giải pháp tốt nhất, nên quản lý thay vì buông lỏng
Đến nay, từ thực tiễn các quốc gia đi trước áp dụng chính sách cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, có thể thấy cấm không phải là giải pháp lâu dài, toàn diện và đáp ứng mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Thực tế là 184/195 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra quy định kiểm soát thuốc lá làm nóng.
Đặc biệt với những quốc gia chỉ cấm nhập khẩu, thương mại nhưng không cấm sử dụng như Brunei thì cơ chế thực thi pháp lý càng trở nên bất cập.
Với quan điểm cần xây dựng chính sách quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng cho phù hợp thực tiễn, ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghiệp Tiêu dùng Thực phẩm-Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay Bộ đã lấy ý kiến của các bộ ngành về vấn đề này và hầu hết đều thống nhất cần có chính sách quản lý. Theo đó, trong quá trình sửa đổi Nghị định Quản lý Kinh doanh Thuốc lá, Bộ sẽ có hình thức phù hợp để quản lý mặt hàng này.
Từ thực tiễn quốc tế và bối cảnh trong nước, các chuyên gia nhìn nhận cấm không phải là giải pháp tốt nhất, cần lựa chọn biện pháp quản lý, kiểm soát sự phát triển của sản phẩm theo định hướng của pháp luật.
Từ 2018 đến nay WHO vẫn liên tục khuyến cáo chính phủ các nước quản lý thuốc lá làm nóng theo luật quốc gia.
Ở góc độ pháp lý, Luật Phòng, Chống Tác hại Thuốc lá hiện hành đã có tính bao hàm đối với những sản phẩm sử dụng nguyên liệu thuốc lá, như thuốc lá làm nóng.
Bởi vậy, phương án quản lý không đòi hỏi xây dựng thêm các văn bản luật cho những sản phẩm thuốc lá làm nóng hay thuốc lá điện tử nào đã thích ứng với định nghĩa của luật, chỉ cần áp dụng luật hiện hành để đặt sản phẩm dưới vòng kiểm soát của Nhà nước, từ đó có cơ sở pháp lý để loại bỏ những hàng kém chất lượng, xử lý triệt để tội phạm buôn lậu.
Phương án này cũng được kỳ vọng sẽ góp phần giúp giải quyết các vấn đề xã hội nói chung và quan ngại của Bộ Y tế nói riêng về các tác động ngoại ý của thuốc lá mới./.