Quận Nam Từ Liêm: Hiện đại phố mới, mộc mạc làng nghề xưa
Hiếm có một khu vực nào bị đô thị hóa mạnh như quận Nam Từ Liêm mà còn lưu truyền lại những giá trị văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc như vậy.
Nam Từ Liêm là một quận nằm ở phía Tây trung tâm thành phố Hà Nội, được nâng cấp thành quận trên cơ sở chia tách huyện Từ Liêm cũ.
Theo quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050, quận Nam Từ Liêm là một trong những đô thị lõi, là trung tâm hành chính, dịch vụ, thương mại của thủ đô Hà Nội.
Về địa giới hành chính quận Nam Từ Liêm phía Đông giáp quận Thanh Xuân và Cầu Giấy; Phía Tây giáp huyện Hoài Đức; Phía Nam giáp quận Hà Đông; Phía Bắc giáp quận Bắc Từ Liêm.
Lịch sử hình thành
Tên huyện Từ Liêm được đặt năm Vũ Đức thứ 4 (621) thời thuộc nhà Đường, thuộc Từ Châu (sau đổi là Nam Từ Châu, gồm 3 huyện: Từ Liêm, Ô Diên và Vũ Lập).
Đường thư, Địa lý chí giải thích: đặt tên huyện Từ Liêm vì có sông Từ Liêm. Thực ra, 2 chữ Từ Liêm là cách phiên âm Hán Việt của địa danh Chèm (Trèm), thuộc xã Thụy Phương ở phía Bắc huyện (nay là phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm).
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc dưới các triều đại theo các thể chế quản lý nhà nước khác nhau, địa giới hành chính của huyện Từ Liêm tuy có thay đổi nhưng về cơ bản vẫn giữ nguyên địa danh, địa giới cho đến năm 2013.
Và cũng từ đó, tên gọi có lúc khác nhau nhưng mảnh đất này phần lớn vẫn là vùng ngoại thành Hà Nội.
Ngày 27/12/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết 132/NQ-CP thành lập quận Bắc Từ Liêm. Các đơn vị hành chính 10 phường gồm cầu Diễn, Đại Mỗ, Mễ Trì, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Phú Đô, Tây Mỗ, Phương Canh, Trung Văn, Xuân Phương.
Văn hóa-Di tích-Danh thắng
Văn hóa vùng Nam Từ Liêm gắn bó với văn hóa châu thổ sông Hồng và sông Nhuệ với hàng ngàn năm khai phá vùng đất và chống ngoại xâm.
Nơi này lưu giữ nhiều di tích lịch sử-văn hóa với 45 di tích đã xếp hạng cấp Quốc gia và cấp Thành phố (năm 2015).
Trong số này có Đình Đại Mỗ (phường Đại Mỗ) thờ Thành hoàng làng là vị nhiên thần Đức Thủy Hải Long Vương (là một trong 50 người con trai của Lạc Long Quân theo cha, xuống biển, dạy dân làm nghề trồng lúa nước).
Các làng truyền thống quận Nam Từ Liêm nằm phân tán bám theo sông Nhuệ, nhưng mỗi làng lại co cụm thành các khu vực biệt lập, lấy đồng ruộng làm ranh giới.
Các làng còn gìn giữ rất tốt các truyền thống lễ hội, các di tích các Đình như Đại Mỗ, Hòe Thị, Mễ Trì, Phùng Khoang…), các Chùa như Mễ Trì Thượng, Phùng Khoang, Mễ Trì Thượng, Phú Đô…, Chùa/Quán Thanh Xuân (Phùng Khoang), miếu Nguyên Xá và cụm di tích nhà thờ họ Nguyễn Quý… có niên đại thế kỷ 16-17. Đặc biệt là nhà thờ giáo xứ Phùng Khoang có lối kiến trúc tân cổ điển là một trong những nhà thờ đẹp ở Hà Nội…
Hiếm có một khu vực nào bị đô thị hóa mạnh như quận Nam Từ Liêm còn lưu truyền lại những giá trị văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc như vậy.
Nam Từ Liêm hôm nay
Sự kiện thành lập quận năm 2013 là mốc thời gian đánh dấu sự chuyển đổi bước ngoặt của một địa bàn mang tính chất nông thôn sang địa bàn mang tính chất đô thị với sự thay đổi toàn diện trong phương thức tổ chức, quản lý đời sống kinh tế-xã hội.
Là quận trẻ nhất trong số các quận Hà Nội, Nam Từ Liêm có tốc độ đô thị hóa rất nhanh với nhiều dự án trọng điểm đã và đang được triển khai mạnh mẽ. Cùng với những di tích lịch sử nằm giữa những vùng quê lâu đời, Nam Từ Liêm dần xuất hiện những khu đô thị mới, những công trình mang tính chất quốc gia như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Sân vận động Quốc gia, Đại lộ Thăng Long.
Xen giữa làn sóng đô thị hóa dồn dập đó, vẫn còn “lác đác” đâu đó những làng và làng nghề truyền thống nằm trên địa bàn quận như làng nghề bún Phú Đô, làng nghề cốm Mễ Trì.
Làm Cốm ở Mễ Trì
Mễ Trì xưa có tên là Anh Sơn, tên cổ là Kẻ Mẩy, là vùng đất đai phì nhiêu màu mỡ, được trồng loại gạo tám thơm. Cuối thế kỷ 19, gạo tám thơm đã nổi danh thiên hạ và được đưa lên kinh đô Huế dâng lên nhà Vua và được vua ban cho cái tên Mễ Trì (Ao gạo) được lưu truyền đến tận ngày nay.
Mễ trì ngày xưa có tên là Anh Sơn, tên cổ là Kẻ Mẩy. Nơi đây, đất đai phì nhiêu màu mỡ, người dân cấy cày trồng lúa tám thơm. Cuối thế kỷ 19, danh tiếng gạo tám thơm bay tận kinh đô Huế và được dâng lên vua. Vua khen và ban cho tên là Mễ Trì (Ao gạo). Kể từ đó, cái tên Mễ Trì lưu truyền đến bây giờ.
Theo nhiều tài liệu sử sách, nghề làm cốm Mễ Trì được du nhập từ làng Vòng, tuy nhiên, trải qua hàng trăm năm, những tay nghề non trẻ đều đã lên thành nghệ nhân; cốm Mễ Trì đã có chỗ đứng riêng trong lòng người Hà Nội, trở thành những sản vật không thể thiếu mỗi khi Hà Nội vào mùa Thu, mùa đẹp nhất trong năm.
Ngày nay, người Hà Nội có thể ăn cốm Mễ Trì quanh năm. Dân Mễ Trì cũng liên kết với các vùng khác để có nguyên liệu cả năm. Các công đoạn cũng được cơ giới hóa để vừa tiết kiệm sức lao động vừa đảm bảo hương vị nguyên sơ của cốm Mễ Trì.
Bún Phú Đô
Nằm xen kẽ giữa những khu đô thị hiện đại nhưng làng Phú Đô vẫn giữ nguyên được những nét truyền thống mộc mạc vốn có. Không ai biết rõ nghề làm bún ở đây xuất hiện từ bao giờ, thế nhưng, theo các cao niên trong làng; nghề làm bún ở Phú Đô có từ cách đây hàng trăm năm, tổ nghề là cụ Hồ Nguyên Thơ. Cụ được thờ cùng với các vị hoàng thành tại đình làng Phú Đô.
Với đặc điểm sợi bún giòn, dẻo, không dính, trắng trong mượt mà và thơm hương vị, trải qua hàng trăm năm bún Phú Đô vẫn giữ nguyên được nét đặc trưng riêng biệt của mình, góp một nét vẽ đẹp đẽ vào kho báu ẩm thực của đất Thăng Long.
Vài năm trở lại đây, nhiều công đoạn sản xuất của bún Phú Đô đã được thay thế bằng công nghệ tiên tiến, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lại vừa đảm bảo được chất lượng, độ dẻo dai và đặc biệt là tiết kiệm sức lao động.