Quản lý toàn diện phần lưu vực sông Mekong trên lãnh thổ Việt Nam

Ủy ban sông Mekong Việt Nam chịu trách nhiệm đầu mối về các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội sông Mekong Quốc tế, là một cơ chế hợp tác đa phương có ý nghĩa chiến lược đối với Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chiều 18/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mekong Việt Nam năm 2024.

Nâng cao hiệu quả hợp tác

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, Ủy ban sông Mekong Việt Nam chịu trách nhiệm đầu mối về các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội sông Mekong Quốc tế, là một cơ chế hợp tác đa phương có ý nghĩa chiến lược đối với Việt Nam.

Trên lưu vực sông Mekong, Việt Nam có sông Sê San, Srêpôk là thượng nguồn đổ xuống Campuchia và vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng là hạ nguồn sông Mekong trước khi đổ ra biển.

Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò vô cùng quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế quốc gia, song đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động của các diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan tác động của hoạt động khai thác, sử dụng nước gia tăng từ các quốc gia thượng nguồn sông Mekong...

Tác động của biến đổi khí hậu cũng gây ra những hệ lụy cho vùng đồng bằng những năm gần đây như diễn biến lũ bất thường chủ yếu là những năm lũ nhỏ không đảm bảo vệ sinh đồng ruộng, bồi đắp phù sa; hạn hán gia tăng, mặn xâm nhập sâu vào cả nguồn nước mặt và nước ngầm; sụt lún đất diễn ra trên diện rộng; sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra trên hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đe dọa đến sự ổn định của đồng bằng, tác động ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế-xã hội của người dân trong vùng.

Ngoài ra, lưu vực sông Sê San, Srêpôk của Tây Nguyên cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong khai thác sử dụng nguồn nước, gia tăng phát triển thủy điện, công nghiệp, nước tưới thủy lợi; khai thác quá mức nước ngầm... trong bối cảnh biến đổi khí hậu dẫn đến một số khu vực thường xuyên phải đối mặt với các vấn đề như lũ lụt, hạn hán, sạt lở, suy thoái nguồn nước mặt, nước ngầm...

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

“Bên cạnh chức năng hợp tác quốc tế trong khuôn khổ Ủy hội sông Mekong Quốc tế, Ủy ban sông Mekong Việt Nam đã được giao thêm chức năng, nhiệm vụ của tổ chức lưu vực sông đối với lưu vực sông Cửu Long và lưu vực sông Sê San-Srêpôk.

Đây là một bước tiến quan trọng, giúp quản lý toàn diện và thống nhất phần lưu vực sông Mekong trên lãnh thổ Việt Nam; đồng thời nâng cao hiệu quả phối hợp trong quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên toàn lưu vực, góp phần vào sự phát triển bền vững của khu vực,” Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết.

Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá thách thức hiện nay trong phạm vi quản lý của từng bộ, ngành, địa phương; các vấn đề liên ngành, liên tỉnh, liên quốc gia; kiến nghị vai trò và trách nhiệm của Ủy ban sông Mekong Việt Nam trong giải quyết các khó khăn, thách thức đảm bảo quản lý, khai thác và bảo vệ hiệu quả tài nguyên nước sông Mekong.

Đề xuất các định hướng ưu tiên cho chương trình công tác của Ủy ban trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban và Văn phòng Thường trực, đặc biệt trong công tác quản lý tổng hợp lưu vực sông và phối hợp liên ngành, liên địa phương.

Chia sẻ nguồn nước tốt nhất

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh hoạt động của Ủy hội sông Mekong Quốc tế, Ủy ban sông Mekong Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển trên lưu vực sông Mekong, có sự quan tâm, tham gia, đóng góp của các nước lớn, phát triển trên thế giới.

Toàn cảnh cuộc họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Trong giai đoạn tới, nhất là yêu cầu đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động cũng như sự xuất hiện của nhiều cơ chế hợp tác mới ở lưu vực sông Mekong, Ủy ban sông Mekong Việt Nam phải xác định rõ sứ mệnh, mục tiêu và mô hình tổ chức bộ máy hoạt động của một cơ chế có tính đa ngành, liên địa phương, liên vùng trong quản lý, hợp tác các lưu vực sông liên biên giới của Việt Nam.

Mục tiêu cuối cùng, không chỉ Đồng bằng sông Cửu Long mà lưu vực các sông xuyên biên giới khác chảy qua Việt Nam luôn được chia sẻ nguồn nước tốt nhất, chủ động nhất, tránh bị động, giảm bớt ảnh hưởng, tác động tiêu cực từ hoạt động khai thác, sử dụng trên thượng nguồn, biến đổi khí hậu.

Nêu rõ tác động cực đoan của biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Mekong cũng như các sông xuyên biên giới, đều liên quan đến tài nguyên nước, Phó Thủ tướng cho rằng, những cơ chế hợp tác, chia sẻ dữ liệu, thiết lập hệ thống quan trắc chung, tham vấn khi triển khai các dự án trên dòng chính, điều tra đánh giá tác động của các công trình thượng nguồn đối với hạ nguồn... có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam.

Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban sông Mekong Việt Nam nhằm kịp thời nắm bắt, nghiên cứu sâu sắc, toàn diện những vấn đề đặt ra, kiến nghị giải pháp... và báo cáo cấp thẩm quyền đối với cơ chế hợp tác đa phương, song phương về các lưu vực sông xuyên biên giới.

Trong thời gian tới, Ủy ban sông Mekong Việt Nam cần tiếp tục duy trì, mở rộng, làm sâu sắc thêm các cơ chế hợp tác song phương, đa phương hiện nay về chia sẻ dữ liệu, quan trắc, môi trường, kinh tế-xã hội...; chủ động tham gia nghiên cứu, xây dựng các đề án, chiến lược bảo đảm an ninh nguồn nước gắn với các vùng sinh thái nước ngọt, nước lợ, nước mặn, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương cũng như sinh kế bền vững cho người dân./.