Quan hệ kinh tế Việt-Đức: Một năm chuyển mình tăng trưởng và đầu tư chiến lược

Với những thành tựu đáng ghi nhận trong mở rộng hội viên, thu hút đầu tư, thiết lập các quan hệ đối tác chiến lược, GBA tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thắt chặt quan hệ kinh tế Việt-Đức.

Phái đoàn doanh nghiệp Đức tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Đồng Nai, tháng 11/2024

Năm 2024 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức (GBA) tại Việt Nam. Hiện tại, số lượng thành viên của GBA đã vượt qua con số 400 doanh nghiệp, khẳng định vị thế của hiệp hội doanh nghiệp châu Âu lớn nhất tại Việt Nam.

Những thành tựu của năm 2024 đặt nền tảng cho sự hợp tác mạnh mẽ hơn trong năm 2025, giúp GBA có sự chuẩn bị kỹ càng hơn, tiến tới kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt-Đức và 30 năm thành lập GBA.

Những thành tựu nổi bật năm 2024: Tăng trưởng kỷ lục và đầu tư chiến lược

Năm 2024 chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ đầu tư từ Đức vào Việt Nam. Với hơn 530 công ty đang hoạt động tại Việt Nam, các doanh nghiệp Đức tiếp tục tin tưởng Việt Nam như một thị trường phát triển quan trọng, với tổng cộng 3,6 tỷ USD vốn đầu tư đã được rót.

Các khoản đầu tư này phân bổ cho các ngành trọng điểm, từ sản xuất-công nghệ cao, logistics, đến năng lượng tái tạo.

Trong đó nổi bật là Ziehl-Abegg, nhà cung cấp hàng đầu thế giới về công nghệ thông gió, đã mở nhà máy sản xuất trị giá 20 triệu USD tại Đồng Nai, với vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của công ty. Kärcher, công ty nổi tiếng với các giải pháp làm sạch sáng tạo, cũng đã thành lập một nhà máy sản xuất tại Quảng Nam, trị giá hơn 500 tỷ VND, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm thân thiện với môi trường ở thị trường châu Á.

Bên cạnh đó, Pearl Polyurethane Systems cũng đã khai trương nhà máy mới tại Long Thành, đóng góp vào con số 1,2 tỷ USD FDI cho Đồng Nai, chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm 2024.

Ngoài ra, trung tâm vận hành của DIGI-TEXX Vietnam tại Hậu Giang khai trương vào tháng 8 vừa qua đã tuyển dụng hơn 900 lao động địa phương, góp thêm phần thúc đẩy kinh tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Sự tăng trưởng liên tục về vốn đầu tư từ Đức phản ánh sức hấp dẫn của Việt Nam, nổi lên như một trung tâm đầu tư với vị trí chiến lược, lực lượng lao động phát triển, cùng các sáng kiến ​​của chính phủ hướng tới cải thiện cơ sở hạ tầng.

Các khoản đầu tư này không chỉ được rót vào lĩnh vực truyền thống mà còn tập trung vào các ngành năng lượng xanh và sản xuất bền vững, tương thích với vị thế dẫn đầu về công nghệ Đức và các mục tiêu môi trường dài hạn của Việt Nam.

Nhà máy mới khai trương tại Long Thành, Đồng Nai của Pearl Polyurethane Systems

Chuỗi hoạt động không ngừng nghỉ tạo kết nối và cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp Đức tại Việt Nam

Năm 2024, GBA đã mở rộng các sự kiện của mình, tổ chức hơn 90 sự kiện và thu hút hơn 25.000 lượt người tham dự. Các sự kiện này không chỉ tăng cường cơ hội kinh doanh mà còn củng cố kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp Đức với các đối tác địa phương và quốc tế.

Nổi bật là sự kiện Diễn đàn FDI Xanh, phản ánh cam kết ngày càng tăng đối với phát triển bền vững, Diễn đàn Kinh doanh Việt-Đức tổ chức vào tháng 3/2024 đã thảo luận các chiến lược tăng trưởng xanh và làm nổi bật các cơ hội đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng mặt trời, gió, và sinh khối.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều tới khu vực phía Nam, GBA đã tổ chức các cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp Đức với chính quyền địa phương ở Bình Dương và Đồng Nai.

Ngoài ra còn có Hội nghị bàn tròn các doanh nghiệp với Đại sứ Đức tại Việt Nam Helga Margarete Barth. Sự kiện đã tạo thêm cơ hội cho các nhà đầu tư Đức trao đổi về các vấn đề quan trọng như: đa dạng hóa đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và cải cách hành chính.

Hội nghị bàn tròn các doanh nghiệp với Đại sứ Đức tại Việt Nam - Bà Helga Margarete Barth, tháng 12/2024

Theo GBA, trong thời gian tới, các doanh nghiệp Đức hoạt động tại Việt Nam cần phải vượt qua những thách thức để đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Những thách thức này bao gồm: tính cập nhật, thay đổi của các quy định đầu tư; cơ sở hạ tầng còn thiếu kết nối; minh bạch hơn nữa trong chính sách đầu tư; những điểm khó trong thủ tục cấp thẻ tạm trú cho chuyên gia nước ngoài (làm việc tại Việt Nam).

Bước vào năm 2025, GBA sẽ tiếp tục ưu tiên cho các khoản đầu tư bền vững, tập trung vào các ngành như năng lượng tái tạo, chuyển đổi số và sản xuất công nghệ cao.

Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức cùng với 30 năm thành lập GBA vào năm 2025 sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc củng cố mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia.