Quan chức hàng đầu EU đề xuất đình chỉ đối thoại chính trị với Israel
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell bày tỏ "những lo ngại nghiêm trọng về khả năng vi phạm luật nhân đạo quốc tế ở Gaza."
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell đã đề xuất khối này đình chỉ đối thoại chính trị với Israel, với lý do có thể xảy ra các hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế trong cuộc xung đột tại Dải Gaza.
Trong bức thư gửi các ngoại trưởng EU ngày 13/11, trước thềm cuộc họp ngày 18/11 tới, ông Borrell đã bày tỏ "những lo ngại nghiêm trọng về khả năng vi phạm luật nhân đạo quốc tế ở Gaza," đồng thời cho biết "đến nay, những lo ngại này vẫn chưa được Israel giải quyết thỏa đáng."
Ông Borrell viết: "Dựa trên những cân nhắc này, tôi đề xuất EU... đình chỉ đối thoại chính trị với Israel."
Đối thoại chính trị được ghi nhận trong một thỏa thuận rộng hơn về quan hệ giữa EU và Israel, bao gồm quan hệ thương mại sâu rộng, có hiệu lực vào tháng 6/2000.
Đề xuất đình chỉ đối thoại sẽ cần sự chấp thuận của tất cả 27 quốc gia EU, điều được cho là rất khó xảy ra.
Tuy nhiên, đề xuất của ông Borrell phát đi tín hiệu quan ngại mạnh mẽ về cuộc xung đột tại Trung Đông.
Theo kế hoạch, vấn đề này sẽ được thảo luận tại cuộc họp ngoại trưởng cuối cùng mà ông Borrell chủ trì trước khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm.
Theo số liệu của Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc, gần 70% số người thiệt mạng trong cuộc xung đột hiện nay là phụ nữ và trẻ em. Cơ quan này cũng lên án “sự vi phạm có hệ thống” các nguyên tắc cơ bản của luật nhân đạo quốc tế.
Israel bác bỏ báo cáo trên.
Quân đội Israel (IDF) khẳng định hành động quân sự của họ "tuân theo các nguyên tắc về sự khác biệt và tính tương xứng, và được tiến hành sau khi đánh giá cẩn thận về khả năng gây hại cho dân thường."
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định sẽ không tiếp tục và phát triển quan hệ với Israel. Ông Erdogan nêu rõ Thổ Nhĩ Kỳ hiện không có quan hệ thương mại với Israel và không mong muốn phát triển quan hệ song phương trong lĩnh vực này.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ hợp tác thương mại với Israel hồi tháng 5 vừa qua để đáp trả những cuộc tấn công của IDF vào Dải Gaza.
Tổng thống Erdogan đã nhiều lần lên án các vụ tấn công và kêu gọi phản ứng quốc tế mạnh mẽ hơn để bảo vệ dân thường Palestine.
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu luôn bày tỏ lập trường ủng hộ Palestine, khẳng định đây là nền tảng trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Erdogan.
Trong một diễn biến khác, ngày 13/11, Nhà Trắng tuyên bố Mỹ đã có thêm cam kết từ phía Israel trong vài ngày qua về tình hình ở Dải Gaza.
Theo Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng, ông Jake Sullivan, Mỹ mong muốn được chứng kiến những cam kết nêu trên được tuân thủ để tiếp tục giải quyết các vấn đề bao gồm hỗ trợ nhân đạo, đảm bảo hàng rào phòng thủ của Israel trước những cuộc tấn công của Iran, triển khai các nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trả tự do cho các con tin ở Gaza, hoặc mang lại giải pháp ngoại giao cho tình hình ở Liban./.