Quản chặt hóa đơn điện tử để phòng ngừa tham nhũng và buôn lậu
Cơ quan Thuế và Công an sẽ tăng cường công tác phối hợp trao đổi thông tin, tài liệu, dữ liệu, kết quả khởi tố điều tra…, để kịp thời phòng ngừa, trấn áp tội phạm trong quản lý thuế và hóa đơn.
Việc triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc đã góp phần làm thay đổi phương thức quản lý theo hướng tự động và ngăn chặn, phòng chống tình trạng gian lận thuế, trốn thuế...
Tuy nhiên, cơ quan chức năng cho biết các loại tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu đã và đang dần có sự “thích ứng” với việc sử dụng các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới.
Mua bán hóa đơn diễn biến phức tạp
Thông tin từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an), cho biết tình hình mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn vẫn đang có chiều hướng diễn biến ngày một phức tạp.
Thượng tá, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Tiến Dũng, Trưởng Khoa Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, nhấn mạnh việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử đã giúp ngành Thuế tạo bước đột phá mới trong việc quản lý rủi ro, quản lý thuế, thực hiện kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu cho các cơ quan Nhà nước khác. Đặc biệt là cơ quan chức năng trong điều tra, xử lý tội phạm.
Song, ông Dũng cũng chỉ ra tình trạng mua-bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp còn là nguyên nhân dẫn đến sự phức tạp của tình hình về tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu.
Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã thành lập doanh nghiệp (không để sản xuất-kinh doanh) với mục đích bán hóa đơn khống để thu lợi bất chính. Cùng với đó, một số doanh nghiệp đã mua hóa đơn không hợp pháp nhằm chiếm đoạt thuế của Nhà nước và nhiều các mục đích khác (như kê khai khấu trừ thuế, giảm số thuế nộp ngân sách Nhà nước, sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, hoá hàng buôn lậu, tham ô, lập khống chi phí phát sinh để giảm thu nhập chịu thuế hay sử dụng hóa đơn đầu vào để tăng hoàn tiền thuế…).
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính riêng năm 2023, ngành đã chuyển 88 hồ sơ sang cơ quan công an kiến nghị điều tra, khởi tố và nhận hơn 4.400 yêu cầu cung cấp hồ sơ từ cơ quan Công an nhằm quản lý, trấn áp tội phạm kinh tế. Một số vụ án điển hình đã bị khởi tố, như vụ án mua bán hóa đơn giá trị gia tăng không hợp pháp do Nguyễn Minh Tú cầm đầu, vụ án mua bán hóa đơn của đối tượng Trương Xuân Đước, vụ án Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang và đồng phạm phạm tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế.
Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế tiếp tục chỉ đạo cơ quan Thuế các cấp bám sát nội dung Chương trình phối hợp số 01/CTPH-BTC-BCA ngày 28/12/2022 giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Công an về phối hợp công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực tài chính giai đoạn 2022-2025. Trên cơ sở đó, hai cơ quan sẽ tăng cường công tác phối hợp trao đổi thông tin, tài liệu, dữ liệu, kết quả khởi tố điều tra…, để đảm bảo kịp thời phòng ngừa, trấn áp tội phạm trong lĩnh vực quản lý thuế và hóa đơn.
Cần có chính sách khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn
Sau khi tuân thủ quy định lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chia sẻ một số “khoảng trống” trên thị trường. Cụ thể, có một số đơn vị cung cấp giải pháp lập hóa đơn song không cần xuất phát từ tín hiệu truyền thông của cột bơm xăng dầu như camera thông minh (tự động chụp hình ảnh màn hình giao dịch), lập hóa đơn từ máy tính tiền hoặc có thể đọc thủ công… Do đó, các giải pháp này sẽ tạo ra “lỗ hổng,” vì có thể ảnh hưởng bởi sự can thiệp của con người đối với thông tin, cơ sở dữ liệu để lập hóa đơn điện tử, dẫn đến công tác quản lý Thuế có thể chưa chính xác theo đúng quy định.
Thêm vào đó, các cá nhân lấy hóa đơn mua xăng dầu mất rất nhiều thời gian (từ chọn log bán hàng, điền thông tin cá nhân…) đồng thời có thể dẫn đến sai sót do cập nhập thông tin liên quan mã số thuế hoặc mã định danh.
Do đó, đại diện của Petrolimex cho rằng Chính phủ cần có chính sách khuyến khích người tiêu dùng khi mua xăng dầu lấy hóa đơn và xây dựng chính sách (như cho phép các doanh nghiệp tích hợp dữ liệu khách hàng-Vneid để phát hành hóa đơn chính xác cho từng cá nhân) đồng thời giảm trừ gia cảnh khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân nếu có hóa đơn xăng dầu hoặc quay số trúng thưởng…
Thêm vào đó, phía Petrolimex kiến nghị Nhà nước cần kiểm soát các giải pháp phần mềm phát hành hóa đơn hiện nay để đảm bảo tính chính xác của giải pháp, tránh sự can thiệp của con người. Đặc biệt là cần bổ sung quy định kinh doanh xăng dầu phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng là điều kiện tiên quyết để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.
Cũng gặp không ít vướng mắc về các vấn đề liên quan đến hóa đơn, bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng giám đốc, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, cho hay đối với hóa đơn có dấu hiệu rủi ro, ngân hàng thực hiện kiểm tra cả về hóa đơn và bên bán trước khi thanh toán cũng như kê khai thuế để đảm bảo hóa đơn hợp pháp, hợp lệ. Tuy nhiên, việc bên bán có kê khai thuế và nộp thuế đối với hóa đơn đó hay không kiểm soát được. Bởi, sau khi ngân hàng đã kê khai thuế đầu vào, bên bán có thể không kê khai thuế đầu ra tương ứng, thậm chí bỏ khỏi địa chỉ đã đăng ký kinh doanh. Và, việc phát hiện và thông báo trên website phải mất một thời gian. Điều này phát sinh khó khăn cho bên mua trong việc kiểm soát hóa đơn đầu vào.
Do đó, bà Yến kiến nghị Cơ quan Thuế ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm phát hiện sớm các doanh nghiệp có rủi ro cao về hóa đơn và cập nhật lên website để bên mua từ chối thanh toán đồng thời không kê khai thuế, không thực hiện cấp mã cho các doanh nghiệp này lập hóa đơn đầu ra.
Cũng liên quan đến hóa đơn rủi ro, bà Yến cho hay hiện nay, theo yêu cầu của cơ quan điều tra, một số trường hợp bị chặn việc kê khai bổ sung tờ khai thuế đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm hình sự. Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp có quy mô rất lớn, việc kiểm tra sử dụng hóa đơn có những khó khăn nhất định. Cụ thể, một số khoản chi như tiếp khách, điện thoại cá nhân, công tác (phương tiện, khách sạn…) hoặc chi có tính chất phúc lợi (hỗ trợ đi lại, nghỉ mát…) do phát sinh số lượng nhiều với giá trị nhỏ, ngân hàng cho phép cá nhân chủ động mua sắm và nhận hóa đơn từ bên bán để về thanh toán sau. Vì số lượng hóa đơn lớn, không tránh khỏi phát sinh một số hóa đơn rủi ro (mặc dù chiếm tỉ lệ rất nhỏ về số lượng và giá trị).
Bà Yến nhấn mạnh đây không phải là “gian lận” và vi phạm có chủ đích từ ngân hàng. Song, việc bị chặn kê khai bổ sung sẽ khiến cho ngân hàng bị mất quyền được điều chỉnh đã nêu tại Luật Quản lý thuế, dẫn đến bị phạt vi phạm hành chính khi Cơ quan Thuế thực hiện kiểm tra, thanh tra sẽ ảnh hưởng đến xếp loại tổ chức tín dụng và hình ảnh của doanh nghiệp./.