Phương tiện bay siêu nhẹ: Nếu không tuân thủ, quân đội có quyền bắn để răn đe
Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh trường hợp chế áp để hạ cánh đối với phương tiện bay siêu nhẹ, nếu không chấp hành thì quân đội có quyền bắn để đảm bảo an toàn an ninh.
Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết từ trước tới nay, Cục Tác chiến cấp phép phương tiện bay siêu nhẹ, các phương tiện bay không người, nhưng đến nay, số lượng các phương tiện này tăng nhiều. Do đó, Bộ Quốc phòng sẽ tính toán, có thể quy định cho cấp dưới cấp phép.
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Quốc phòng cũng lưu ý khi thấy cần thiết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an có thể đình chỉ bay; trường hợp chế áp để hạ cánh, nếu không chấp hành thì quân đội có quyền bắn để đảm bảo tính răn đe và cưỡng chế, đảm bảo an toàn an ninh.
Đình chỉ bay khi cần thiết
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận ngày 27/6 về dự thảo Luật Phòng không nhân dân, Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh về các nội dung cụ thể, cơ quan soạn thảo đã có báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội và tiếp tục tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã phát biểu, hoàn thiện dự thảo Luật Phòng không nhân dân để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Theo đó, về quy định cấp phép bay, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết Bộ Công an cấp phép bay cho các phương tiện bay siêu nhẹ, các phương tiện bay không người lái của Bộ Công an. Bộ Quốc phòng cấp phép cho các phương tiện bay của bộ này.
Đối với các phương tiện bay khác, Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh đều phải đăng ký ở Bộ Công an, nhưng trách nhiệm quản lý ở Bộ Quốc phòng. Lý do bởi Bộ Quốc phòng có các trang bị bảo đảm và được Chính phủ giao nhiệm vụ này.
“Từ trước tới nay, Bộ Quốc phòng giao Cục Tác chiến cấp phép, nhưng đến nay, số lượng phương tiện bay siêu nhẹ, phương tiện bay không người lái tăng nhiều. Vì thế, bộ sẽ tính toán, có thể quy định cho cấp dưới cấp phép, ở cấp tỉnh, cấp quân khu, quân chủng. Tuy nhiên khi thấy cần thiết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an có thể đình chỉ bay,” Bộ trưởng Phan Văn Giang nói.
Về quy định điều khoản “quét” ở điều 7 về các hành vi bị nghiêm cấm, Bộ trưởng Phan Văn Giang bày tỏ hoàn toàn nhất trí và sẽ bổ sung thêm quy định này vào dự thảo Luật Phòng không nhân dân để đảm bảo đầy đủ, toàn diện hơn.
Tương tự về xác định phương tiện bay siêu nhẹ, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết đây là loại hình phương tiện phục vụ cho việc biểu diễn nghệ thuật. Việc tập huấn, nội dung chương trình phải được thống nhất, nhưng từng chỉ huy, từng cơ quan đơn vị phải xác định nội dung nào cần tập huấn, phải xác định cụ thể.
Về nội dung quyền bắn khi thực hiện chế áp, Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh trường hợp chế áp để hạ cánh, nếu không chấp hành thì quân đội có quyền bắn để đảm bảo tính răn đe và cưỡng chế, đảm bảo an toàn an ninh. Đây cũng là quy định được áp dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới.
Quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm
Trước đó, thảo luận tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 27/6, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai) bày tỏ cơ bản tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Phòng không nhân dân để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận phòng không nhân dân. Đây cũng là nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, dự thảo luật trên được xây dựng trên cơ sở luật hóa quy định tại một số văn bản của Chính phủ, đặc biệt là Nghị định số 74/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về phòng không nhân dân và Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cũng lưu ý các văn bản quy phạm pháp luật này đã được ban hành từ lâu và đến nay các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, nhiều nội dung trong dự thảo luật hiện cũng đang được điều chỉnh bởi các luật có liên quan như Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Luật Phòng thủ dân sự…
Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bảo đảm việc ban hành Luật tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Về nội dung thiết kế, sửa chữa, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ (điều 28), đại biểu của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ nội hàm của “kinh doanh” tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.
Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong cấp giấy chứng nhận cho cơ sở thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ để đảm bảo thống nhất trong quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật, tránh chồng chéo giữa các bộ.
Cũng bàn về nội dung trên, đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung đầy đủ các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật Phòng không nhân dân.
Đại biểu Dương Tấn Quân nhấn mạnh về các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo luật đã quy định 7 loại hành vi bị nghiêm cấm như: Trốn tránh, chống đối, cản trở việc xây dựng, huy động, hoạt động và thực hiện trách nhiệm tham gia lực lượng phòng không nhân dân; cung cấp thông tin, chỉ điểm, quay phim, chụp ảnh, đo, vẽ làm lộ mục tiêu trận địa, kế hoạch, trang bị kỹ thuật, các công trình chiến đấu và phá hoại, làm thay đổi hiện trạng công trình phòng không nhân dân…
Tuy nhiên ngoài 7 hoạt động trên, còn nhiều hoạt động khác làm phương hại đến phòng không nhân dân, chưa được dự thảo luật nhắc tới, cũng chưa được lường trước. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định nghiêm cấm các hành vi khác ảnh hưởng đến phòng không nhân dân theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, mặc dù điều 28 của dự thảo Luật đã có quy định về thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, song chưa có quy định về hoạt động sản xuất tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Vì thế, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị bổ sung quy định này.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết phiên thảo luận tại đã có 12 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến đều có căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn rõ ràng, sâu sắc và toàn diện, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội đối với dự thảo luật.
“Phiên thảo luận đã được ghi âm đầy đủ. Tổng Thư ký Quốc hội sẽ chỉ đạo có báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội theo dõi; và chuyển các cơ quan chuyên môn để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuẩn bị để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV,” Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói./.