Phương pháp hiệu quả, cách thức xử lý triệt để tham nhũng, lãng phí

Trong những năm gần đây, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã đạt được những bước tiến quan trọng, nhiều vụ án tham nhũng lớn được xử lý triệt để.

Lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương tại Đại hội đại biểu lần thứ IV. (Ảnh: Vietnam+)

Việc giải quyết tham nhũng, lãng phí là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự kiên trì, chứ không thể chỉ dựa vào những giải pháp tức thời. Những thành quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã chứng minh rằng Đảng đang có những phương thức hiệu quả để xử lý vấn đề này, dù vẫn còn nhiều thách thức.

Trong những năm gần đây, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã đạt được những bước tiến quan trọng, với nhiều vụ án tham nhũng lớn được xử lý triệt để, kể cả các vụ việc liên quan đến các cán bộ, lãnh đạo cấp cao. Một minh chứng rõ ràng là vụ án liên quan đến Vinashin, Vinalines hay các vụ án trong ngành ngân hàng, tài chính. Những vụ việc này không chỉ được xử lý ở mức độ "lặt vặt" mà là các vụ án lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế và uy tín của Đảng, nhưng đã được làm sáng tỏ, xử lý nghiêm khắc.

Hơn nữa, Đảng đã liên tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và củng cố các cơ chế kiểm soát, phòng ngừa tham nhũng. Chế độ kiểm tra, giám sát nội bộ đã được thực hiện chặt chẽ hơn, cùng với việc hoàn thiện các quy định pháp lý như Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tiếp cận thông tin… Đặc biệt, việc đưa các vụ án tham nhũng ra xét xử công khai, minh bạch không chỉ góp phần xử lý các cá nhân vi phạm mà còn giúp xây dựng lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Việc nhận thức về vai trò của công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí đã được Đảng ta thể hiện từ rất sớm. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng,” “là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ,” là “tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội” và coi việc đấu tranh phòng, chống tham ô, lãng phí là công việc rất quan trọng, phải được tất cả các cấp, các ngành quan tâm và tiến hành thường xuyên.

Bác phân tích, “có những người trong lúc tranh đấu thì trung thành, hăng hái, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng. Chúng ta phải cứu vãn họ, giúp họ khôi phục đạo đức cách mạng, giáo dục họ, đưa họ vào con đường cách mạng.”

Năm 1996 tại Đại hội lần thứ VIII, Đảng đã nhận định: “Tham nhũng đang là nguy cơ trực tiếp quan hệ sống còn của hệ thống chính trị,” đặt ra yêu cầu phải tiến hành đấu tranh kiên quyết, thường xuyên, có hiệu quả chống nạn tham nhũng trong bộ máy nhà nước, trong các ngành từ Trung ương đến cơ sở. Cụ thể hoá đường lối được vạch ra tại Đại hội, ngày 15 tháng 5 năm 1996, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TW về lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, khẳng định “đây là nhiệm vụ lâu dài phải tiến hành kiên quyết, kiên trì và thận trọng; không được đơn giản, nóng vội, đồng thời phải khẩn trương, tích cực; chú trọng hiệu quả có kế hoạch cụ thể, bước đi thích hợp.”

Cho đến nay, những quan điểm ấy vẫn giữ nguyên giá trị, được các thế hệ của Đảng kiên định, liên tục phát triển cho phù hợp với sự vận động của xã hội bởi lẽ chúng ta hiểu phòng chống tham nhũng, lãng phí là cuộc đấu tranh đầy chông gai, khắc nghiệt, không thể chỉ là cao trào, càng không thể chững lại. Trong cuộc đấu tranh trường kỳ ấy, Đảng phải tự mình cắt bỏ những thứ ung nhọt trong nội bộ, dù rất đau xót nhưng phải kiên quyết, kiên trì, bền bỉ và phải rất bài bản.

Đảng ủy Vietcombank tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ. (Ảnh: Vietnam+)

Kế thừa thành quả cách mạng của dân tộc, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội XIII xác định đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí là 01 trong 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng trong giai đoạn 2021-2025 với nhiều nhận thức mới, cho thấy sự phát triển trong quan điểm của Đảng về cuộc chiến chống lại tệ nạn này.

Cụ thể, từ chỗ coi tham nhũng, lãng phí là nguy cơ đe dọa (Đại hội VII) đến là tác nhân làm suy yếu Đảng (Đại hội XII) đến chỗ là vấn đề đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta (Đại hội XIII). Từ đó, Đảng xác định, phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

So với Đại hội XII, từ chỗ là nhiệm vụ rất quan trọng, Đại hội XIII đã nâng thêm một nấc nhận thức nữa đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Trên tinh thần nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng và sự cấp bách của công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí, so với Đại hội XII, Văn kiện Đại hội XIII đã bổ sung một số nhiệm vụ giải pháp cụ thể xuất phát từ đặc điểm cố hữu của tham nhũng, lãng phí là sự tha hoá, biến chất của con người.

Cụ thể, Đảng đã bổ sung thêm giải pháp làm cho “không muốn” tham nhũng; từng bước mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng, lãng phí ra khu vực ngoài nhà nước; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế phòng, chống tham nhũng. Để thực hiện được giải pháp mới này, Đại hội XIII đề cao vai trò của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị và việc nêu gương, xây dựng, rèn luyện đức tính liêm khiết trong mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên về phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Bên cạnh những nội dung mới, Đảng tiếp tục kiên định với hệ thống giải pháp đã và đang thực hiện như hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội; đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kiểm tra, giám sát và phòng chống tham nhũng, lãng phí, về kiểm soát quyền lực, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; xây dựng cơ chế bảo vệ, khuyến khích những người làm công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý tham nhũng cũng như với người tố cáo, tích cực đấu tranh chống tham nhũng; khẩn trương xây dựng các cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng… Điều này đã cho thấy một định hướng mang tính chất lâu dài rất khoa học và hợp lý của Đảng.

Cụ thể: Một là, việc bổ sung giải pháp để “không muốn” bên cạnh “không thể,” “không dám” và “không cần” tham nhũng, lãng phí là điều cần thiết, góp phần hoàn thiện cơ chế đa tầng về phòng chống tham nhũng, lãng phí. Từ chỗ sử dụng cơ chế tự thân, tự vận động để chuyển biến tích cực (tự giáo dục, rèn luyện liêm chính, đạo đức, phê bình, tự phê bình); các cơ chế mang tính chất thúc đẩy, động viên (giáo dục, phổ biến, tuyên truyền, bảo vệ); các cơ chế cứng rắn (thanh tra, kiểm soát, truy cứu trách nhiệm hình sự).

Hai là, Đảng nhìn nhận đây là mối quan hệ hai chiều. Dưới góc độ là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng có trách nhiệm định hướng cho công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam trong giai đoạn mới với hàng loạt các giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn hướng tới xử lý, kiểm soát tham nhũng, lãng phí một cách hiệu quả. Dưới góc độ mỗi cá nhân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí chỉ có thể thành công khi bản thân mỗi cá nhân ý thức sâu sắc được vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc không ngừng tu dưỡng đạo đức, tích cực phê bình và tự phê bình. Điều này đặc biệt quan trọng với đội ngũ cán bộ, họ phải là những tấm gương, chuẩn mực về đạo đức trong cuộc chiến chống lại sự tha hoá của quyền lực và chính trị.

Vietcombank tham dự Hội nghị quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, ngày 9/7/2024. (Ảnh: Vietnam+)

Trong mối quan hệ hai chiều ấy, việc tu dưỡng đạo đức, rèn luyện phẩm chất của mỗi cá nhân đóng vai trò cốt lõi, còn sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định đến sự thành công của công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí trong mọi giai đoạn lịch sử và phát triển của đất nước.

Ba là, Đảng đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí trên những luận điểm khoa học xác đáng và đầy nhân văn. Trong mối quan hệ giữa phòng và chống, Đảng coi “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, lấy việc “phòng ngừa, kiểm soát” là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài. Bởi lẽ, thực tiễn đã chứng minh, tham nhũng, lãng phí là một hiện tượng xã hội gắn liền với quyền lực nhà nước, chừng nào còn nhà nước và các hình thức quyền lực chính trị bị tha hoá thì còn có thể xảy ra tham nhũng hay nói cách khác, có nhà nước là có tham nhũng chỉ có một nhiều một ít mà thôi.

Kinh nghiệm 94 năm lãnh đạo của Đảng đã chứng minh một quan điểm đúng đắn: “Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không phải cốt xử lý cho thật nặng mới là tốt, cái chính là răn đe, ngăn ngừa không để xảy ra sai phạm. 'Chống' là quan trọng, cấp bách, phải kiên quyết làm để răn đe, cảnh tỉnh, nhưng 'xây' mới là cơ bản, lâu dài,” “vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, tức là trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực.”

Chính nhận thức đúng đắn này đã giúp Đảng đưa ra được một giải pháp hoàn thiện, giải quyết được trực tiếp những vấn đề bản chất của hiện tượng “tham nhũng, lãng phí.” Điều này hoàn toàn trái ngược lại với những nhận định không có cơ sở, thiếu logic, duy ý chí khi cho rằng Đảng không có phương cách hiệu quả để xử lý triệt để và cái lò đốt tham nhũng cũng chỉ giải quyết được lặt vặt một vài vụ việc như lượm lặt lá rụng dưới gốc hay vạch lá tìm sâu trên ngọn cây mà không thực sự đi sâu vào nguồn gốc, căn cơ của sự việc./.