Phục dựng Di sản Kinh đô Hoa Lư bằng giải pháp khoa học công nghệ

Tọa đàm khoa học "Tư vấn về Chiến lược bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng và phát huy giá trị Di sản Kinh đô Hoa Lư bằng giải pháp khoa học và công nghệ" được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình, ngày 10/9.

Cổng chính dẫn vào Khu di tích Cố đô Hoa Lư. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Ngày 10/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học "Tư vấn về Chiến lược bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng và phát huy giá trị Di sản Kinh đô Hoa Lư bằng giải pháp khoa học và công nghệ."

Các tham luận và ý kiến thảo luận tại buổi Tọa đàm đã tập trung làm rõ các nội dung chính như giá trị lịch sử văn hóa của Kinh đô Hoa Lư, trong đó trọng tâm là di sản khảo cổ học; kinh nghiệm của Việt Nam và thế giới về bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng và phát huy giá trị di sản khảo cổ học kinh thành; các phương án bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng và phát huy giá trị Di sản Kinh đô Hoa Lư; những khó khăn, thách thức trong thực hiện các sản phẩm cụ thể và yêu cầu về nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng và phát huy giá trị Di sản Kinh đô Hoa Lư.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, việc Đinh Tiên Hoàng đế chọn Hoa Lư đóng đô là một vấn đề cần được làm rõ. Quê của Đinh Bộ Lĩnh, theo sử cũ như Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng: "Vua họ Đinh, tên húy là Bộ Lĩnh, người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng."

Hoa Lư được chọn làm kinh đô của nước Đại Việt (Đại Cồ Việt) lại cách xã Gia Phương chính quê của Đinh Tiên Hoàng từ 6-8km. Hoa Lư lúc được chọn làm Kinh đô là nơi núi non trùng điệp, có hình thái đan xen: núi trong sông, sông trong núi, là căn cứ thủy rất thuận tiện, sau lưng là rừng, trước mặt là đồng bằng, xa nữa là biển cả. Khi chiến sự xảy ra cũng có thể tiến, có thể thoái, có thể thủ. Dù tồn tại với tư cách kinh đô của đất nước không lâu nhưng Hoa Lư đã giữ một vai trò rất quan trọng và đặc sắc trong tiến triển lịch sử Việt Nam.

Trong ảnh: Cổng chính dẫn vào Khu di tích Cố đô Hoa Lư. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Minh Trí, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, những phát hiện khảo cổ học dưới lòng đất tại Hoa Lư trong nhiều thập kỷ qua đã minh chứng sinh động lịch sử tồn tại của Kinh đô Hoa Lư - kinh đô đầu tiên của Nhà nước Đại Việt hơn 1.000 năm về trước.

Tuy nhiên, các phát hiện khảo cổ học đến nay vẫn chưa tìm thấy mặt bằng nền móng của các công trình kiến trúc cung điện, lầu gác. Do đó, những mong muốn về việc nghiên cứu phỏng dựng, phục dựng dù mang tính chất giả định về hình thái các công trình kiến trúc cung điện của Kinh đô Hoa Lư xưa càng trở nên vô cùng khó khăn, chưa có tính khả thi. Bởi vì thiếu cơ sở dữ liệu khoa học của khảo cổ học và sử học.

Do đó, nếu quyết tâm thực hiện mục tiêu quan trọng này, trước hết cần phải có chiến lược đầu tư Dự án khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tổng thể khu di tích Cố đô Hoa Lư và thực hiện một cách chuyên nghiệp, bài bản khoa học, tuân thủ nguyên tắc: vừa khai quật, vừa bảo tồn di sản, vừa nghiên cứu so sánh giải mã giá trị di sản.

Bế mạc Tọa đàm, ông Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, nhấn mạnh Di sản Văn hóa Vật thể và Phi vật thể của Kinh đô Hoa Lư hiện còn lưu giữ có giá trị đặc biệt quan trọng trong lịch sử dân tộc và trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Để đảm bảo sự đồng bộ giữa giá trị tinh thần với những công trình thể hiện được vị thế, tầm vóc của di sản, tỉnh sẽ triển khai các công cuộc bảo tồn, phỏng dựng, phục dựng và phát huy giá trị Di sản Kinh đô Hoa Lư bằng giải pháp khoa học và công nghệ.

Ninh Bình dự kiến phục dựng hoàng thành, trường thành, cổng thành, thị thành Hoa Lư và cảnh quan. Việc phục dựng cũng gắn với các làng nghề truyền thống; qua đó giáo dục truyền thống và góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, Tọa đàm có ý nghĩa quan trọng, giúp địa phương xác định được các ý tưởng, giải pháp có tính khả thi để sớm triển khai phục dựng hoàng thành Hoa Lư nói riêng, Kinh đô Hoa Lư nói chung, góp phần vào sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của tỉnh./.