Phú Yên xây dựng đề án thành lập đảng bộ theo mô hình địa phương hai cấp
Theo đề án, Tỉnh ủy Phú Yên thống nhất thành lập 34 đảng bộ phường, xã tương ứng với 34 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp.
Thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về "Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng," Tỉnh ủy Phú Yên đã xây dựng đề án thành lập đảng bộ các xã, phường trực thuộc Tỉnh ủy theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Tỉnh ủy Phú Yên thống nhất thành lập 34 đảng bộ phường, xã tương ứng với 34 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp.
Tên gọi các đảng bộ theo tên đơn vị hành chính cấp xã được quy định tại Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 26/4/2025 của Hội đồng Nhân dân tỉnh.
Căn cứ Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Phú Yên thống nhất định hướng số lượng Ban chấp hành đảng bộ cấp xã từ 27-33 người. Trong đó, Đảng bộ hợp nhất từ hai xã, phường, thị trấn số lượng tối đa không quá 27 người; Đảng bộ hợp nhất từ ba xã, phường, thị trấn trở lên số lượng tối đa không quá 33 người.
Ban Thường vụ Đảng ủy từ 9-11 người, gồm: Bí thư, Phó Bí thư; Chủ tịch Hội đồng Nhân dân (Bí thư hoặc Phó Bí thư Thường trực kiêm nhiệm), Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, một Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, một Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân; Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra, Trưởng Ban xây dựng Đảng; Chỉ huy trưởng Quân sự, Trưởng Công an; Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc; người đứng đầu địa bàn, lĩnh vực quan trọng cần tập trung sự lãnh đạo của cấp ủy.
Tỉnh ủy xem xét nếu xã, phường có vị trí quan trọng, quy mô kinh tế, hạ tầng giao thông đô thị phát triển, số lượng đảng viên, dân số đông… có thể xem xét bố trí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Bí thư Đảng ủy.
Đảng ủy cấp xã được lập ba cơ quan chuyên trách, tham mưu giúp việc, gồm: Văn phòng, Ban xây dựng Đảng, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy.
Riêng nơi có trụ sở Trung tâm Chính trị cấp huyện hiện nay được lập thêm Trung tâm Chính trị là đơn vị sự nghiệp để phục vụ chung công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các địa phương trong cùng đơn vị hành chính cấp huyện trước sắp xếp.
Biên chế cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của Đảng ủy cấp xã (mới) khoảng 15-17 người.
Những nơi có Trung tâm Chính trị bố trí không quá 20 biên chế. Trước mắt, có thể bố trí biên chế nhiều hơn nhưng sau khi hoàn thiện vị trí việc làm và tối đa sau thời gian 5 năm phải thực hiện đúng theo quy định.
Theo bà Cao Thị Hòa An, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Phú Yên, việc thành lập Đảng bộ cấp xã trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh giúp các chủ trương, nghị quyết của Đảng được triển khai thông suốt từ Trung ương xuống cơ sở, từ cấp tỉnh trực tiếp xuống cấp xã; góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc trong đổi mới phương thức lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hệ thống chính trị.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên yêu cầu trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải bảo đảm hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được thông suốt, hiệu quả, không gián đoạn, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội và nhân dân.
Cơ quan, đơn vị được phân công nhiệm vụ tập trung thực hiện đề án bảo đảm kịp thời, đồng bộ, đúng quy định, đúng thẩm quyền; quan tâm giải quyết chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc do sắp xếp bộ máy kịp thời, theo quy định./.