Phú Yên huy động mọi nguồn lực xã hội để bảo tồn và phát huy giá trị di tích
Để có nguồn lực thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di tích, tỉnh Phú Yên sẽ xây dựng cơ chế, chính sách xã hội hóa trong việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, đầu tư hạ tầng du lịch.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên vừa có Quyết định phê duyệt Đề án tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2023-2030, nhằm đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đẩy mạnh xã hội hóa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích để phục vụ phát triển du lịch.
Phú Yên hiện có 112 di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng; trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia, 89 di tích cấp tỉnh.
Nhiều di tích, danh thắng đang là điểm đến thu hút khách tham quan như: Danh thắng Quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa, Di tích Kiến trúc Nghệ thuật Quốc gia Đặc biệt Tháp Nhạn; danh thắng Bãi Môn-Mũi Đại Lãnh, đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài...
Để có nguồn lực thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di tích, tỉnh Phú Yên sẽ xây dựng cơ chế, chính sách xã hội hóa trong việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, đầu tư hạ tầng du lịch.
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Đề án trên 11.600 tỷ đồng, trong đó kinh phí xã hội hóa khoảng 10.900 tỷ đồng.
Để thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn theo hướng bền vững, đồng bộ, thu hút du khách đến tham qua, phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, từ nay đến năm 2030, tỉnh Phú Yên đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và giá trị các di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong các chương trình xúc tiến du lịch.
Ngành Văn hóa và các địa phương xây dựng Đề án thu phí tham quan di tích để giảm bớt gánh nặng ngân sách trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng của Phú Yên cũng được tỉnh chú trọng thực hiện.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đề ra một số nhiệm vụ chính như tuyên truyền nâng cao nhận thực trong cán bộ và nhân dân về việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích; kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng di tích; phân cấp quản lý; cắm mốc giới khu bảo vệ; lập quy hoạch, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, danh mục di tích kêu gọi xã hội hóa đầu tư; đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi, cơ sở hạ tầng đường đến di tích; bảo vệ môi trường di tích; phát triển nguồn nhân lực bảo tồn và phát huy giá trị di tích...
Tỉnh Phú Yên triển khai các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như: lồng ghép tuyên truyền, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong việc quảng bá hình ảnh di tích; thường xuyên tổ chức các lớp nghiệp vụ du lịch, kịp thời bảo vệ công trình di tích trước biến động của thiên tai, trang bị hệ thống thu gom rác thải tại các di tích, đầu tư xây dựng các điểm biểu diễn nghệ thuật dân gian...
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 4/12/2023 phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) nhằm xây dựng danh thắng này trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn, kết nối với các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh khác; hình thành chuỗi sản phẩm du lịch, kết hợp phòng hộ, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị độc đáo của danh thắng và di sản văn hóa truyền thống của khu vực.
Trong những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả bước đầu, tuy nhiên do khó khăn về kinh phí nên nhiều di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh chưa được tu bổ, tôn tạo.
Việc xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn nhiều bất cập, vướng mắc về cơ chế, chính sách nên chưa thu hút sự đầu tư, đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân./.