Phú Thọ: Nước bắt đầu rút, nhiều địa phương dồn sức khắc phục hậu quả
Hàng trăm cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an cùng các đội cứu hộ đã được huy động đến các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất để hỗ trợ người dân dọn dẹp, khơi thông đường giao thông...
Với tinh thần “nước rút tới đâu, khắc phục tới đó," hiện nay nhiều địa phương của tỉnh Phú Thọ đang dồn sức khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất của người dân sau ảnh hưởng của mưa lũ.
Tại huyện Hạ Hòa, nơi thiệt hại nặng nhất vì bão số 3, công tác khắc phục hậu quả sau lũ đang được các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tiến hành khẩn trương. Hàng trăm cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an cùng các đội cứu hộ đã được huy động đến các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất để hỗ trợ người dân dọn dẹp, khơi thông đường giao thông, khôi phục lại các cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Các biện pháp khử trùng, tiêu độc, tẩy uế và vệ sinh môi trường ở các khu vực bị tràn ngập đang được triển khai. Lực lượng chức năng đang tiếp tục rà soát và kiểm tra các công trình, đặc biệt là các tuyến đê, hồ đập và những vị trí có nguy cơ sạt lở, nhằm đưa ra phương án phòng, chống và xử lý kịp thời.
Mặt trận Tổ quốc huyện Hạ Hòa đã tiếp nhận và phân phối kịp thời các nguồn hỗ trợ từ nhiều tổ chức, cá nhân đến các xã bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Các loại nhu yếu phẩm như: nước lọc (1.128 thùng), lương khô (1.504 gói), bánh chưng (700 chiếc), bánh mì (2.385 chiếc), sữa tươi (707 thùng), thuốc men, quần áo và nhiều đồ dùng thiết yếu khác đã được cung cấp.
Bên cạnh đó, hơn 80 chuyến xe cứu trợ từ các tỉnh, thành phố như Huế, Hải Phòng, Quảng Bình, Hà Nội, Việt Trì, Vĩnh Phúc... cũng đã chuyển lương thực, thực phẩm và vật tư, thuyền cứu hộ để hỗ trợ các xã trong vùng bị ảnh hưởng nặng nề của huyện.
Tại huyện Cẩm Khê, tranh thủ nước lũ trên sông Thao rút chậm, các lực lượng như công an, quân sự, dân quân tự vệ, trung tâm y tế và người dân bị ảnh hưởng lũ tại các xã, thị trấn của huyện cũng đang tập trung dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường để ổn định cuộc sống.
Huyện Cẩm Khê đã huy động hơn 500 người gồm lực lượng công an, quân sự, dân quân tự vệ cùng chính quyền và người dân thị trấn Cẩm Khê, xã Minh Tân, Tuy Lộc... giúp người dân ổn định cuộc sống sau lũ.
Trung tâm Y tế huyện cũng đã cử các tổ lưu động xuống trực tiếp cùng trạm y tế đến từng hộ dân xử lý môi trường, hướng dẫn các hộ dân xử lý bùn đất, rác thải, xác súc vật, gia cầm chết trên địa bàn; đồng thời cung cấp thuốc, vật tư, vật chất, hóa chất khử trùng, tiêu độc cho các hộ dân xử lý môi trường sau khi nước rút.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Phú Thọ cho biết do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ, đến ngày 12/9, toàn tỉnh đã có 1 người chết do sạt lở đất ở huyện Hạ Hòa; 9 người bị thương (trong đó có 8 người trong vụ sập cầu Phong Châu); 280 nhà bị hư hỏng do cây đổ, tốc mái (trong đó 6 nhà bị thiệt hại hoàn toàn); 6.800 hộ dân phải di dời do ngập lụt; 27 công trình trường học, nhà văn hóa, cơ sở y tế bị hư hỏng; hơn 5.300 ha lúa, hoa màu, cây trồng bị gãy, đổ; sạt lở 26.000 m3 đất đá trên các tuyến đường; nhiều vị trí đê bị vỡ, đùn sủi, phải xử lý chống tràn... Tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 250 tỷ đồng (chưa bao gồm sập cầu Phong Châu)./.