Phú Thọ: Nỗ lực “hồi sinh” nghề dệt thổ cẩm dân tộc Mường ở Tân Sơn
Để giữ gìn và phát huy bản sắc của nghề dệt thổ cẩm, tỉnh Phú Thọ đã và đang triển khai nhiều biện pháp, chính sách khuyến khích và những việc làm cụ thể nhằm “hồi sinh” lại nghề truyền thống này.
Dệt thổ cẩm vốn là nghề truyền thống có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Mường tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Thế nhưng trải qua nhiều thăng trầm, nét văn hóa đặc sắc ấy có lúc tưởng chừng như đã bị mai một. Để giữ gìn và phát huy bản sắc của nghề dệt thổ cẩm, tỉnh Phú Thọ đã và đang triển khai nhiều biện pháp, chính sách khuyến khích và những việc làm cụ thể nhằm “hồi sinh” lại nghề truyền thống này.
Tân Sơn là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Phú Thọ với hơn 83% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, dân tộc Mường chiếm 75,2% dân số toàn huyện và chiếm 29,52% dân tộc Mường trong toàn tỉnh.
Đồng bào Mường tại Tân Sơn còn lưu giữ kho tàng Di sản Văn hóa Phi vật thể đa dạng, phong phú, giàu bản sắc. Trong đó nổi bật nghề truyền thống dệt thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Mường..
Theo các cụ già kể lại, nghề dệt thổ cẩm tại Tân Sơn được hình thành từ lâu đời, mang đậm nét đặc trưng văn hóa của dân tộc Mường. Trước đây, con gái Mường khi lên bảy, lên tám đã được bà và mẹ dạy cách trồng bông, quay tơ, kéo sợi, mười ba mười bốn tuổi đã biết ngồi khung cửi để dệt thành những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc phục vụ cho việc may chăn đệm chuẩn bị cho việc lấy chồng. Con gái Mường khi đi lấy chồng phải mang theo của hồi môn đó là chăn, màn, gối, đệm tự tay mình dệt nên. Theo tục lệ, với người Mường, một cô gái đi làm dâu phải mang theo đủ chăn màn cho những người trong gia đình chồng.
Những tấm thổ cẩm không chỉ gắn bó mật thiết với đời sống người dân mà còn tượng trưng cho sự giàu có, sung túc trong mỗi gia đình, là vật không thể thiếu trong dịp lễ trọng, việc hiếu, hỉ, tang ma của người Mường. Người Mường quan niệm thổ cẩm còn là thước đo sự giàu có, ấm no, sung túc của các gia đình.
Trải qua nhiều thăng trầm, cùng với sự du nhập của văn hóa hiện đại, ngày nay người con gái Mường khi đi lấy chồng không nhất thiết phải mang theo đồ dùng do tự tay mình làm nữa mà có thể mang theo hàng mua từ chợ về. Bởi thế, nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại Tân Sơn đã có thời gian dài bị mai một.
Nhờ làm tốt công tác bảo tồn, mới đây, ngày 9/8/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 2322/QÐ-BVHTTDL, đưa nghề dệt thổ cẩm của người Mường ở xã Kim Thượng, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia đối với nghề thủ công truyền thống.
Đặc sắc văn hóa truyền thống
Dưới mái nhà sàn của người Mường ở xóm Chiềng, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, cách trung tâm thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, chừng 80km, nhiều nghệ nhân và các em nhỏ đang hồ hởi kéo sợi, dệt nên những sản phẩm thổ cẩm đặc trưng.
Bà Sa Thị Tâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa Dân gian xã Kim Thượng, chia sẻ mong muốn của những nghệ nhân đi trước như bà là khôi phục nghề dệt truyền thống và lưu truyền mãi tại địa phương, nhất là các thế hệ sau. Các chị em tham gia lớp học sau này cũng trở thành nghệ nhân để dạy cho các thế hệ tiếp theo.
Với sự vào cuộc kịp thời, đến nay số lượng người biết làm nghề thông qua lớp truyền dạy nghề đã tăng lên đáng kể. Nhiều học viên sau khi biết và hiểu về nghề càng thêm gắn bó với nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình.
Để tạo nên những tấm vải thổ cẩm lung linh sắc màu phải trải qua rất nhiều công đoạn. Hằng năm, cứ đến tháng Năm Âm lịch, chờ ngày nắng đẹp, người dân bắt đầu thu hoạch bông, rồi phơi 2-3 ngày nắng. Múi bông sau khi phơi khô được dùng dụng cụ truyền thống để làm tơi mịn, kéo sợi, hồ sợi, se sợi, mắc sợi và dệt vải... Tất cả các công đoạn đều được làm thủ công từ đôi bàn tay khéo léo của các chị, các mẹ để tạo được những tấm thổ cẩm đầy màu sắc, hoa văn sinh động như: gối, túi xách, khăn...
Theo bà Sa Thị Tâm, vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, nghề dệt thổ cẩm ở các xã Kim Thượng, Minh Đài… huyện Tân Sơn nói riêng, tỉnh Phú Thọ nói chung, phát triển rất mạnh. Gần như nhà nào cũng có một khung cửi, từ người già đến người trẻ, hầu như ai cũng biết dệt. Thế nhưng, càng về sau, nhiều gia đình đã không duy trì được nghề, thế hệ trẻ trong làng cũng không còn "mặn mà" với nghề truyền thống này nữa.
Năm 2008, nghề dệt xóm Chiềng được khôi phục và được Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ công nhận làng nghề, đây là cơ hội để nghề dệt ở Kim Thượng mở ra nhiều cơ hội việc làm, phát triển du lịch cộng đồng cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, trước sự phát triển các sản phẩm dệt may công nghiệp với nhiều mẫu mã bắt mắt, giá thành rẻ dẫn đến việc bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở Kim Thượng cũng gặp nhiều khó khăn…
Nguy cơ mai một của nghề dệt truyền thống là nỗi niềm trăn trở không chỉ của những người tâm huyết với nghề, mà còn là của cả những người đang làm công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.
Nỗ lực "hồi sinh" nhờ chính sách bảo tồn
Để bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm dân tộc Mường huyện Tân Sơn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã tổ chức mở lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào Mường.
Đây là một trong những hoạt động nhằm triển khai thực hiện Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình mục tiêu quốc gia 1719).
Đồng thời, góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của cộng đồng và các cấp chính quyền về giá trị của văn hóa phi vật thể truyền thống, đề cao vai trò năng lực chủ thể văn hóa của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Phú Thọ.
Thời gian qua, các cấp, ngành từ tỉnh tới các địa phương cũng đã có nhiều giải pháp để gìn giữ nghề dệt truyền thống trước nguy cơ mai một như bảo tồn, gìn giữ các trang phục truyền thống; hỗ trợ các làng, bản có nghề dệt duy trì và phát triển; công nhận nghề, làng nghề truyền thống...
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Kim Thượng cho biết xã đã tổ chức thành lập tổ truyền dạy bao gồm các nghệ nhân, phụ nữ đã thành thạo nghề dệt, để tập trung truyền dạy cho các thế hệ trẻ, đồng thời khôi phục lại những chiếc khung cửi đã bị hư hỏng ở trong xã; tăng cường phối hợp với các cấp bộ, ngành, tranh thủ mọi nguồn lực để khôi phục và phát triển làng nghề, vừa tạo việc làm cho người dân, vừa giữ gìn, phát huy nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc…
Đồng thời, địa phương đã trích kinh phí hỗ trợ sợi dệt, khôi phục khung cửi, tổ chức các lớp tập huấn, thực hành truyền dạy... để người dân có đủ điều kiện duy trì và khôi phục nghề dệt truyền thống. Mặt khác, huyện tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, kết nối với các điểm bán hàng lưu niệm… nhằm khuyến khích, định hướng, phấn đấu phát triển các sản phẩm dệt tại địa phương, giúp người dân gắn bó hơn với nghề dệt.
Theo bà Nguyễn Trương Phương Hà, Phó Trưởng Phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ), việc tổ chức lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho người dân tộc Mường huyện Tân Sơn nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng, xã hội về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay của tỉnh.
Việc khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống là một việc làm cần thiết, không chỉ đơn thuần mang lại thu nhập cho người thợ thủ công trong những lúc nông nhàn, mà còn góp phần vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa, nét độc đáo riêng của các dân tộc tỉnh Phú Thọ./.