Phú Thọ: Khai thác tiềm năng các di sản văn hóa, du lịch để thu hút du khách
Tỉnh Phú Thọ đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du, miền núi phía Bắc, là một trong những trung tâm văn hóa, lễ hội gắn với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Phú Thọ ngày càng tăng nhờ khai thác hiệu quả các di sản văn hóa độc đáo và phát triển đa dạng loại hình du lịch.
Vùng đất cổ nhiều di sản văn hóa
Phú Thọ là miền đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời với rất nhiều di sản văn hóa độc đáo; trong đó có 3 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận là hát Xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và Ca trù.
Cùng với đó, tỉnh còn có nhiều khu di tích lịch sử, văn hóa và các danh thắng đẹp. Nổi bật là Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng - một không gian văn hóa có một không hai, vô cùng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam; đồi chè Long Cốc, đồi chè Mỹ Thuận và đầm Ao Châu, đầm Vân Hội, thác Mơ… là những thắng cảnh tự nhiên non nước hữu tình trên mảnh đất trung du.
Đặc biệt, Vườn Quốc gia Xuân Sơn là 1 trong 13 vườn quốc gia của Việt Nam có đa dạng sinh thái phong phú, đa dạng sinh học cao; mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy có trữ lượng lớn hàm lượng nguyên tố vi lượng hữu ích.
Ngoài ra, địa phương còn có nhiều di tích lịch sử và các danh thắng đẹp như Đền Mẫu Âu Cơ, chùa Tam Giang, Ao Giời-Suối Tiên và nhiều loại hình văn hóa phi vật thể độc đáo (như: hát Xoan, hát ghẹo), các lễ hội như Hội Phết-Hiền Quan, Hội bơi chải-Bạch Hạc, Hội rước voi-Đào Xá.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ, trên địa bàn hiện có 967 di tích; trong đó, 323 di tích lịch sử-văn hóa được Nhà nước xếp hạng, 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương, 30 di tích liên quan đến hát Xoan, 5 bảo vật quốc gia, 311 lễ hội truyền thống, 41 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu mang nét văn hóa đặc trưng vùng đất Tổ.
Bên cạnh đó, tỉnh vẫn lưu giữ, bảo tồn được các phong tục tập quán xưa. Đây là kho tàng di sản văn hóa vô giá, là niềm tự hào của vùng đất mạch nguồn trong dòng chảy lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc, từ thời đại Hùng Vương dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh giữ nước.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, thời gian qua, Phú Thọ đã có nhiều giải pháp, tìm hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để thu hút du khách.
Theo bà Vũ Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư, phát triển du lịch; đặc biệt là các khu du lịch trọng điểm.
Địa phương tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch; nâng cao giá trị của các khu, điểm du lịch, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, lịch sử, văn hóa.
Tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các trung tâm du lịch nhằm gắn kết các di sản văn hóa được UNESCO ghi danh với các khu sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí.
Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư tiềm năng, có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch đã đầu tư vào tỉnh như Tập đoàn Mường Thanh, Tổng Công ty Saigontourist; khách sạn SOJO Việt Trì... Nhờ đó, đáp ứng yêu cầu chất lượng dịch vụ ngày càng cao, góp phần thu hút khách du lịch quốc tế đến tỉnh.
Bên cạnh đó, nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng lớn như Wyndham và dự án Vườn vua, Đảo Ngọc Xanh, Bamboo Resort vừa được hoàn thành đưa vào hoạt động đã tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương.
Ngoài ra, một số dự án khác như: Phố đi bộ-khu nhà ở đô thị Tiên Cát của Công ty Cổ phần tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô; Khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và sân Golf Tam Nông của Tập đoàn T&T Group... đang triển khai xây dựng, góp phần thu hút du khách đến với Đất Tổ.
Nhờ hệ thống giao thông được kết nối, hạ tầng phục vụ du lịch phát triển, lượng du khách chọn Phú Thọ là “điểm dừng chân” tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng tăng.
Năm 2023, tổng doanh thu du lịch dịch vụ đạt 3.365 tỷ đồng, ước đạt 108,5% kế hoạch năm (tăng 27% so với cùng kỳ năm 2022). Tỉnh đón 776.000 lượt khách lưu trú (tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2022); trong đó khách quốc tế đạt 8.860 lượt (tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2022).
Trở thành điểm đến hấp dẫn
Theo đánh giá, tỉnh Phú Thọ có vị trí địa lý, chính trị, kinh tế quan trọng, là cửa ngõ phía tây của Thủ đô Hà Nội; trung tâm kết nối tiểu vùng Đông Bắc với tiểu vùng Tây Bắc và trục hành lang kinh tế Hải Phòng-Hà Nội-Lào Cai-Côn Minh (Trung Quốc).
Địa phương là nơi hợp lưu của ba con sông lớn là: sông Hồng, sông Đà và sông Lô. Đặc biệt, Phú Thọ là vùng đất Tổ, nơi hội tụ của hồn thiêng sông núi, của truyền thống lịch sử; là nơi lưu giữ những trầm tích văn hóa, giá trị nguồn cội của dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước, giữ nước.
Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ cho biết để khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế, tỉnh đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, là một trong những trung tâm văn hóa, lễ hội gắn với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Hiện, tỉnh đang huy động các nguồn lực tập trung phát triển du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước; hình thành một số khu du lịch trọng điểm kết nối với các tỉnh vùng trung du, miền núi phía Bắc và Thủ đô Hà Nội.
Địa phương chú trọng phát triển các sản phẩm như: Du lịch văn hóa, lịch sử gắn với thành phố lễ hội Việt Trì và hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; du lịch nghỉ dưỡng, sân golf và vui chơi giải trí; phát triển thành phố Việt Trì trở thành trung tâm du lịch, là cửa ngõ đón du khách của toàn vùng.
Tại thành phố Việt Trì, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai nhiều hạng mục công trình mới trong các quần thể du lịch được quy hoạch tại thành phố và Khu di tích lịch sử Đền Hùng như: Nhà hát Lạc Hồng; khu du lịch Văn Lang…
Tại huyện Thanh Thủy, Phú Thọ tập trung đầu tư xây dựng cảng tàu du lịch đường thủy; khu vực chợ quê, chợ nông sản cuối tuần để thu hút khách và phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách.
Bên cạnh đó, tỉnh kêu gọi, thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các khách sạn cao cấp từ 4-5 sao, các khu resort nghỉ dưỡng, các trung tâm vui chơi giải trí cao cấp, trung tâm mua sắm, thương mại cao cấp tại Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy.
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục kêu gọi và thu hút các nguồn vốn đầu tư hợp pháp cho Khu du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn (huyện Tân Sơn) và khu đền Mẫu Âu Cơ (huyện Hạ Hòa).
Thời gian tới, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí đầu tư cho cá nhân, tổ chức tham gia sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch và tạo ra sản phẩm du lịch mới mang tính đặc trưng của Phú Thọ; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm trên các trang thông tin điện tử của tỉnh và của ngành Du lịch; xây dựng chính sách phát triển khu, điểm du lịch của tỉnh.
Tỉnh sẽ ban hành các chính sách, đề án bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ và ưu tiên sử dụng ngân sách cho các hoạt động bảo vệ môi trường du lịch và đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh sẽ khai thác hiệu quả các tour du lịch: City tour Việt Trì, Tour du lịch hàng ngày Hà Nội - Phú Thọ, Hát Xoan Làng cổ... gắn với trải nghiệm làng nghề.
Đồng thời, Sở sẽ mở thêm các tour như Du lịch sinh thái cộng đồng Xuân Sơn, Nghỉ dưỡng sinh thái Thanh Thủy-Xuân Sơn, Khám phá di sản-trải nghiệm thiên nhiên Việt Trì-Xuân Sơn, Du lịch cuối tuần sinh thái, nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy, Du lịch liên kết - Vòng cung Tây Bắc…
Với những giải pháp trước mắt và lâu dài, tỉnh Phú Thọ phấn đấu đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn./.