Phụ nữ ngành Ngân hàng có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế

Ở tất cả các vị trí trong ngành Ngân hàng, từ các vị trí quản lý nhà nước đến các vị trí kinh doanh tại ngân hàng thương mại đều có sự tham gia chủ động, tích cực của cán bộ nữ trong ngành.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, Ngân hàng Việt Nam đã có nữ Thống đốc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 18/10, tại Hà Nội, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng phối hợp với Công đoàn Ngân hàng Việt Nam và Ngân hàng Standard Chartered tổ chức Hội thảo quốc tế “Tăng cường vai trò phụ nữ ngành Ngân hàng trước những thách thức mới.”

Hội thảo hướng tới các mục tiêu như tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức trong ngành ngân hàng về bình đẳng giới thông qua tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về đa dạng, hòa nhập, bình đẳng giới. Hội thảo cũng ghi nhận những thành tựu đã đạt được về bình đẳng giới trong ngành Ngân hàng và nhận diện những khó khăn, thách thức của phụ nữ ngân hàng để các cơ quan, đơn vị trong ngành quan tâm, có những chính sách thiết thực hỗ trợ, khuyến khích và tạo động lực cho cán bộ nữ phát triển.

[Thủ tướng: Khơi dậy tiềm năng, nhiệt huyết, trí tuệ của phụ nữ]

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển, ngành Ngân hàng đến nay đã có nhiều thành tựu và đóng góp trong thúc đẩy bình đẳng giới. Lần đầu tiên tại Việt Nam, Ngân hàng Việt Nam đã có nữ Thống đốc. Đặc biệt, Thống đốc Ngân hàng Việt Nam là 1 trong số 3 thành viên Chính phủ là nữ trên tổng số 26 thành viên Chính phủ hiện nay.

Không thể phủ nhận sự đóng góp đặc biệt quan trọng của nữ cán bộ đối với sự phát triển của ngành Ngân hàng trong suốt chiều dài lịch sử. Ở tất cả các vị trí trong ngành Ngân hàng, từ các vị trí quản lý nhà nước, tham mưu hoạch định chính sách đến các vị trí kinh doanh, tác nghiệp tại hệ thống các ngân hàng thương mại đều có sự tham gia chủ động, tích cực của cán bộ nữ trong ngành.

Mặc dù mỗi lĩnh vực đều có những thuận lợi và không ít khó khăn nhưng cán bộ nữ ngành Ngân hàng đã tự tin khẳng định và phát huy hết khả năng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp vào thành tích chung của từng đơn vị và toàn ngành Ngân hàng.

Ban tổ chức tặng hoa cho đại diện các nữ đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú - Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành ngân hàng, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam ghi nhận nhận sự đóng góp đặc biệt quan trọng của nữ cán bộ đối với sự phát triển của ngành ngân hàng trong suốt chiều dài lịch sử.

“Đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã cơ bản đạt được các mục tiêu chính của Kế hoạch thực hiện bình đẳng giới ngành ngân hàng giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung cũng đã và đang nỗ lực để có những đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển của phụ nữ Việt Nam thông qua các chương trình phối hợp với Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và khuyến khích, hỗ trợ các ngân hàng thương mại tăng cường cấp tín dụng cho đối tượng khách hàng là phụ nữ,” ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của phụ nữ Việt Nam nói riêng và các đối tượng yếu thế nói chung. Ngành Ngân hàng đã ban hành các chương trình, chính sách tín dụng hỗ trợ phụ nữ, đối tượng yếu thế phát triển kinh tế.

Ngoài ra, ngành Ngân hàng cũng đã tích cực mở rộng các dự án hợp tác/hỗ trợ quốc tế để tăng cường tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ.

Cũng tại hội thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết toàn ngành ngân hàng hiện có 320.000 cán bộ, trong đó có 190.000 cán bộ nữ, chiếm tỷ lệ 59%.

Riêng hệ thống Ngân hàng Nhà nước có tổng số gần 6.400 cán bộ, trong đó có hơn 3.500 cán bộ nữ, chiếm 56,3%. Những đặc tính về giới của phụ nữ như tỷ mỷ, chính xác, kiên trì, thận trọng rất phù hợp với yêu cầu của ngành ngân hàng.

Dẫn kết quả nghiên cứu 186 Ngân hàng Trung ương trên thế giới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho hay chỉ số bình đẳng giới tại các Ngân hàng Trung ương đã tăng từ 31 điểm năm 2022 lên 33 điểm vào năm 2023. Tuy nhiên, với mức điểm này, vẫn còn chặng đường rất dài để tiến đến sự bình đẳng hoàn toàn giữa nam và nữ tại các Ngân hàng Trung ương (điểm tối đa là 100).

Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam khẳng định cán bộ nữ ngành ngân hàng đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện sứ mệnh, nhiệm vụ của ngành, kiểm soát tốt lạm phát, hỗ trợ phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Cán bộ nữ ngành ngân hàng cũng đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong công việc và cuộc sống và đạt được nhiều giải thưởng cao về sáng kiến phát triển dịch vụ, cải tiến trong công việc, góp phần xây dựng hệ thống ngân hàng Việt Nam mạnh về tài chính, giỏi về quản lý điều hành, hiện đại về công nghệ.

Bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành ngân hàng, Công đoàn ngành Ngân hàng tiếp tục quan tâm, đầu tư, thực hiện tốt các chính sách về bình đẳng giới, các chính sách đặc thù của ngành để chăm lo, tạo điều kiện tốt hơn và tạo cơ hội bình đẳng cho người lao động, trong đó có cả phụ nữ và nam giới.

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế với các đối tác về bình đẳng giới, tổ chức các diễn đàn, hội thảo thường niên chia sẻ góc nhìn toàn cầu về phụ nữ, bình đẳng giới và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, giúp các bên cùng chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn và bài học về thúc đẩy sự bình đẳng, đa dạng và hòa nhập như với Standard Chartered Việt Nam,” bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh./.

Thúy Hà (Vietnam+)