Phớt lờ biển cấm, người dân vẫn rủ nhau tắm sông Đà bất chấp nguy hiểm
Chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm cấm tắm, tuyên truyền, thành lập đội tuần tra, kiểm tra... nhưng người dân vẫn bất chấp nguy hiểm, rủ nhau tắm sông hằng ngày.
Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, tai nạn đuối nước thương tâm ở trẻ em vẫn xảy ra hằng năm. Nguyên nhân chủ yếu do trẻ em không biết bơi, thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước...
Đặc biệt, nhiều năm qua, tại khu vực hạ lưu sông Đà thuộc thành phố Hòa Bình, tình trạng hàng trăm người lớn, trẻ nhỏ rủ nhau tắm sông Đà, tiềm ẩn nhiều rủi ro đuối nước vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Việc tắm sông khu vực hạ lưu sông Đà đã được phóng viên TTXVN phản ánh nhiều lần trong những năm gần đây. Chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm cấm tắm, tuyên truyền, thành lập đội tuần tra, kiểm tra... nhưng người dân vẫn bất chấp nguy hiểm, rủ nhau tắm sông hằng ngày.
Khoảng 5 giờ 30-7 giờ và 16 - 18 giờ 30 hằng ngày, người dân hai bên bờ sông Đà nô nức mang các vật dụng như, áo phao, can nhựa, đồ bơi... để tắm, nô đùa. Việc tắm sông Đà trở thành thói quen của nhiều người dân thành phố Hòa Bình.
Một số người còn chủ quan, không mang đồ bảo hộ, liều mình bơi ra giữa dòng sông.
Anh Trần Đức Vương, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình cho biết, việc cấm người dân tắm sông là rất khó thực hiện. Người dân đã có ý thức tự trang bị các vật dụng bảo hộ khi bơi lội dưới sông.
Dù có biển cấm tắm nhưng do không thấy chính quyền, các lực lượng chức năng tuần tra, nhắc nhở nên người dân vẫn vô tư tắm sông.
Chị Nguyễn Thu Nga, phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình chia sẻ, trên địa bàn thành phố có rất ít điểm vui chơi giải trí, đặc biệt các khu vực bể bơi để rèn luyện sức khỏe thiếu về số lượng, chất lượng.
Tắm sông Đà là phương án được người dân lựa chọn vừa không bị mất phí mua vé cũng như chủ động thời gian. Nước sông Đà sạch, mát mẻ, có không gian thoáng đãng... nên người dân ưa thích tắm sông.
Sông Đà được biết đến là con sông dữ, bởi dưới lòng sông có nhiều đá sắc nhọn, vực sâu, xoáy ngầm... rất nguy hiểm. Đặc biệt, mùa mưa lũ đang đến gần, mực nước sông Đà lên xuống thất thường, tiềm ẩn nguy cơ cao bị đuối nước khi tắm sông.
Nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng tắm sông Đà như hiện nay, chính quyền thành phố Hòa Bình cần quyết liệt thực hiện biện pháp quản lý, tuyên truyền để người dân không ra tắm dọc hai bờ sông; rà soát nơi bị hỏng để cắm lại, bổ sung điểm cần cắm; tăng cường truyền thông trên hệ thống phát thanh ở các tổ dân phố, xóm cho người dân hiểu và thấy được việc mất an toàn khi tự ý tắm, bơi lội trên sông.
Năm 2023, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra 20 vụ, làm 23 trẻ tử vong do đuối nước. Trong 5 tháng đầu năm 2024 xảy ra 4 vụ, làm 5 trẻ em tử vong do đuối nước.
Vì vậy, chính quyền tỉnh Hòa Bình cần đẩy mạnh phong trào toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước và trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về những giải pháp cần thiết, thiết thực nhằm giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em./.