Phong trào hiến máu tình nguyện ở Việt Nam lớn mạnh không ngừng
Sau 30 năm phát động phong trào, đến nay cả nước đã có trên 21,3 triệu lượt người tham gia hiến máu, hàng vạn cá nhân hiến máu tình nguyện tiêu biểu trên 30, 50 lần thậm chí trên 100 lần.
Trong 30 năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện ở Việt Nam đã lớn mạnh không ngừng, đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Nhờ có nguồn máu an toàn và chất lượng mà công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh được kịp thời, giúp ngành y tế có thể triển khai, áp dụng nhiều kỹ thuật mới hiện đại như ghép tạng, ghép tế bào gốc…
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã nhấn mạnh như vậy tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày phát động phong trào hiến máu nhân đạo tại Việt Nam (24/01/1994-24/01/2024) diễn ra ngày 20/1 tại Hà Nội.
Trên 21,3 triệu lượt người tham gia hiến máu
Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay giai đoạn trước năm 1994, tại Hà Nội và một số địa phương trong cả nước cũng đã có những hoạt động nói chuyện, tư vấn và vận động công nhân lao động, y bác sỹ và sinh viên tham gia hiến máu, tuy nhiên hoạt động còn nhỏ lẻ, không lan rộng và không thường xuyên do chưa lôi kéo được sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và người dân. Ở giai đoạn này, mỗi năm Việt Nam chỉ tiếp nhận khoảng 100.000 đơn vị máu, trong đó tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt chưa đến 10%. Đến năm 2023, tại Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, tiếp nhận hơn 1,5 triệu đơn vị máu, tỷ lệ người hiến máu tình nguyện đã đạt 99%.
Sau 30 năm phát động phong trào, đến nay cả nước đã có trên 21,3 triệu lượt người tham gia hiến máu, hàng vạn cá nhân hiến máu tình nguyện tiêu biểu trên 30, 50 lần thậm chí trên 100 lần; đã có hàng nghìn gia đình mà hầu hết các thành viên cùng hiến máu và tham gia vận động hiến máu tình nguyện. Nhiều cơ quan, trường học, doanh nghiệp và địa phương thường xuyên tổ chức ngày hiến máu.
Đến nay, có nhiều chiến dịch, sự kiện, chương trình hiến máu tình nguyện lớn đã được triển khai thành công, thu hút sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đó là các chiến dịch và chương trình như: "Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết" và Lễ hội Xuân hồng, Chủ nhật Đỏ; Hưởng ứng “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (07/4); “Chiến dịch những giọt máu hồng và Hành trình Đỏ, Ngày Quốc tế người hiến máu (14/6)…
Thay đổi nhận thức
Phó giáo sư Nguyễn Hà Thanh - Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho hay 30 năm qua thực sự là cuộc “cách mạng” thay đổi nhận thức của hàng chục triệu người dân về hiến máu tình nguyện. Hoạt động hiến máu tình nguyện đã trở thành một phong trào có sức ảnh hưởng rộng lớn, thu hút và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.
Nếu như trước đây, lực lượng người hiến máu chính là thanh niên, sinh viên thì hiện nay lực lượng người hiến máu được mở rộng đến mọi thành phần trong xã hội không phân biệt độ tuổi, giới tính, ngành nghề, dân tộc, tôn giáo… Nếu như trước đây người đi hiến máu bị gia đình ngăn cấm hay bị kỳ thị thì đến nay người đi hiến máu được mọi người tôn vinh, ủng hộ và là niềm tự hào của gia đình hay cơ quan công tác.
Năm 1994, năm đầu tiên phát động phong trào, lượng máu tiếp nhận được của cả nước đã tăng hơn nhiều so với những năm trước đó với 138.000 đơn vị máu, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 14,5%. Sau 20 năm, từ năm 2014 trở lại đây, mỗi năm trên cả nước đều đã tiếp nhận được trên 1 triệu đơn vị máu. Lượng máu tiếp nhận được năm 2023 đã cao gấp hơn 11 lần so với năm 1994, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đến nay đã đạt 99%.
Đến nay, trên cả nước đã xây dựng và phát triển được hệ thống Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện từ Trung ương đến địa phương; Đã thành lập được 5 Trung tâm truyền máu khu vực, nhiều trung tâm truyền máu vùng, từ đó nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp nhận máu, xét nghiệm sàng lọc, điều chế các sản phẩm máu. Do đó, người bệnh cần truyền máu ở các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa cũng được thụ hưởng các chế phẩm máu chất lượng như các bệnh viện ở tuyến trung ương.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường hơn nữa sự quan tâm, lãnh đạo đối với hoạt động hiến máu tình nguyện và phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội, của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý đối với công tác vận động và tổ chức hiến máu.
Đặc biệt, các đơn vị liên quan tập trung đề xuất xây dựng các giải pháp và triển khai để duy trì và phát triển nguồn người hiến máu tình nguyện ngày càng ổn định, thực chất và bền vững hơn, đảm bảo nguồn máu an toàn, chất lượng điều trị cho người bệnh từ tuyến Trung ương đến các địa phương, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu cần tiếp tục nâng cao chất lượng trong công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức hiến máu. Đa dạng các loại hình truyền thông, vận động hiến máu; quan tâm, chú trọng công tác thi đua, khen thưởng, động viên khích lệ người hiến máu, đơn vị tổ chức hiến máu, lan tỏa những tấm gương hiến máu tiêu biểu trong cộng đồng./.