Phòng chống tham nhũng, lãng phí: Cuộc đấu tranh thường xuyên, không có thời hạn

Phòng chống tham nhũng, lãng phí không phải là cuộc chiến diễn ra trong 5 năm, 10 năm mà là cuộc đấu tranh không có thời hạn, đây là quan điểm luôn được thể hiện một cách nhất quán.

Đại hội Đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ Vietcombank. (Ảnh: VIetnam+)

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong nhiều năm qua, dù chưa thể triệt để xóa bỏ tham nhũng hoàn toàn, nhưng rõ ràng Đảng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc giảm thiểu và xử lý tham nhũng. Đây là một cuộc chiến lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm lớn.

Trong thời gian qua, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, được tiến hành quyết liệt, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống.” Sự thống nhất, phối hợp đồng bộ giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội được tăng cường.

Qua đó, tham nhũng, lãng phí từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng giảm, việc tiếp tục đề cao tầm quan trọng của việc phòng chống tham nhũng, lãng phí cho thấy quyết tâm chính trị cao của Đảng ta. Kết quả này không phải là một lời “tự huyễn” của Đảng, những thành quả của công cuộc đấu tranh này đã được đông đảo Nhân dân, bạn bè quốc tế ghi nhận.

Tuy nhiên, Đảng không tự mãn với những kết quả đã đạt được mà luôn tự kiểm điểm, tự rút kinh nghiệm, thẳng thắn thừa nhận những tồn tại trong công tác chống tham nhũng, lãng phí, chưa đáp ứng được những yêu cầu và kỳ vọng của người dân. Nhận thức được sự mong mỏi của Nhân dân và xã hội, Đảng ta càng quyết tâm, tuyệt đối không để công cuộc này trở thành “cao trào,” càng không thể “chững lại.”

Trả lời phỏng vấn của báo chí tại buổi họp báo tổ chức ngày 01/2/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ “Chống tham nhũng là vấn đề rất lớn không chỉ nước ta mà nước nào cũng có, không chỉ thời nay mà thời nào cũng có, chỉ nhiều hay ít, rộng hay hẹp thôi.” Tổng Bí thư cũng khẳng định, phòng, chống tham nhũng phải “không trừ một ai, không vùng cấm và không ngừng nghỉ.”

Thực tế cho thấy chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam không phải là một phong trào phát động nhất thời để tạo dựng uy thế của Đảng trước thềm Đại hội XIII. Theo tổng kết của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, kể từ khi được thành lập từ năm 2013, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng và Nhà nước; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí đã có một bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt.

Cụ thể, Ban chỉ đạo đã đưa 800 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ (cấp độ Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; cấp độ Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; cấp độ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý).

Vietcombank tham dự Hội nghị quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị. (Ảnh: Vietnam+)

Trong đó, Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc, đã xét xử sơ thẩm 86 vụ án/814 bị cáo, với mức án rất nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Đặc biệt trong giai đoạn này, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý (trong đó có 27 đồng chí là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 4 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị). Gần Đại hội XIII công cuộc chống tham nhũng vấn không ngừng, không nghỉ, vẫn xử lý nhiều đồng chí là Bí thư, Phó Bí thư các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ mới, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá XIII đã tích cực làm việc, quyết tâm không để việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chùng xuống, liên tục ra các quyết định kỷ luật, các đề nghị thi hành kỷ luật với hàng loạt cán bộ sai phạm.

Bên cạnh việc kỷ luật Đảng với những cá nhân vi phạm, Đảng cũng tích cực lãnh đạo các cơ quan nhà nước tích cực tham gia vào việc xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức vi phạm trước pháp luật. Ngay sau những phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tính riêng trong tuần cuối cùng của tháng 7/2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp nhưng công tác xử lý các cán bộ có hành vi tham nhũng, lãng phí không hề bị chùng xuống với hàng loạt quan chức cấp cao vi phạm đã bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật. Con số về các vụ việc bị đưa ra xử lý trước pháp luật liên quan đến tham ô, tham nhũng liên tục tăng lên hàng năm.

Năm 2022, có 539 đảng viên đã bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái; 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật; cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII) đối với 5 đồng chí; cho thôi giữ chức vụ đối với 02 Phó Thủ tướng Chính phủ, 03 Thứ trưởng và tương đương.

Bên cạnh đó, đã chuyển 557 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật (số vụ việc tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2021). Trong đó đã xử lý kỷ luật trên 200 cán bộ, công chức của các cơ quan này có sai phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó chuyển xử lý hình sự 74 trường hợp.

Bên cạnh đó, đã khởi tố mới 493 vụ/1.123 bị can về tội tham nhũng (tăng 163 vụ/328 bị can so với năm 2021) trên cả nước. Trong đó có nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, bao gồm cả 17 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Vietcombank tổ chức lớp bồi dưỡng Đảng viên mới hồi tháng 5/2024. (Ảnh: Vietnam+)

Đặc biệt phải kể đến vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, đến nay cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 29 vụ án với 102 bị can. Trong đó công an địa phương đã khởi tố 27 vụ. Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng cũng khởi tố điều tra năm bị can.

Tính đến hết 5 tháng đầu năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.099 vụ/2.411 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; khởi tố mới 242 vụ án/864 bị can về tội tham nhũng (tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2022). Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức Đảng, hơn 3.600 đảng viên.

Trong đó, phải kể đến 05 vụ án trọng điểm về tham nhũng, tiêu cực đang được khởi tố và điều tra: Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 (Cienco1).

Ngoài ra vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, môi giới hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan; vụ án "Buôn lậu, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" xảy ra tại khóm 5, phường Châu Phú An, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang; vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam.

Phòng chống tham nhũng, lãng phí không phải là cuộc chiến diễn ra trong 5 năm, 10 năm mà là cuộc đấu tranh không có thời hạn. Đây là quan điểm luôn được thể hiện một cách nhất quán trong đường lối lãnh đạo của Đảng kể từ khi thành lập đến nay.

Có thể thấy, kết quả của công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua là những con số “không biết nói dối.” Những con số này đã chứng minh cho quyết tâm lớn của Đảng không để công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí bị chùng xuống, góp phần đập tan những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch khi cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần phát động chống tham nhũng nhưng đều không thành công, tệ nạn lại càng gia tăng, việc chống tham nhũng chỉ để lấy tiếng cho Đảng trước Đại hội./.