Phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố đối với các sản phẩm tài chính

Việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính toàn diện sẽ làm phát sinh những rủi ro đi kèm như mất an toàn, an ninh thông tin, tội phạm công nghệ cao, rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố...

Các đối tượng có thể lợi dụng để thực hiện hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố từ sự phát triển của khoa học công nghệ, công nghệ mới để qua mặt các cơ quan chức năng. (Ảnh: Vietnam+)

Tại Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan thực thi pháp luật luôn quan tâm tới hoạt động phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Công tác này góp phần minh bạch và trong sạch hóa hệ thống tài chính, qua đó giảm các loại hình tội phạm trong xã hội, như buôn lậu, buôn người, ma tuý, tham nhũng...

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố,” Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án kèm theo Quyết định số 787/QĐ-BTC ngày 15/7/2021 nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong công cuộc phòng chống rửa tiền.

Vi phạm ngày càng tinh vi

Trong bối cảnh các sản phẩm tài chính toàn diện ngày càng phát triển, ông Nguyễn Thanh Sơn-Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), chỉ ra những rủi ro rửa tiền chủ yếu ở các sản phẩm thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm vi mô, tín dụng vi mô và bảo hiểm vi mô. Điểm đáng lưu ý, các sản phẩm tài chính toàn diện này chú trọng hướng tới nhóm đối tượng mục tiêu là những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Vì vậy, các sản phẩm này thường có tần suất và giá trị giao dịch nhỏ. Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính toàn diện, nhất là tài chính số sẽ phát sinh ra những rủi ro đi kèm, như mất an toàn, an ninh thông tin, tội phạm công nghệ cao, rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố...

Liên quan tới vấn đề nhận diện các rủi ro phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố trong lĩnh vực Hải quan, ông Nguyễn Huy Công, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho hay Cơ quan Hải quan đã đẩy mạnh áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thu thuế, phí, lệ phí phát sinh trong lĩnh vực hải quan theo hướng phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trên thế giới… Từ thực tiễn, ngành nhận thấy một số dấu hiệu vi phạm liên quan đến hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố (như cư dân biên giới mang vàng, tiền, ngoại tệ vượt định mức không khai báo hải quan hoặc khai nhiều hơn số lượng ngoại tệ, tiền Việt Nam, vàng thực tế mang theo hoặc vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới với số lượng lớn...).

Cơ quan Hải quan đã đẩy mạnh áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thu thuế, phí, lệ phí phát sinh trong lĩnh vực hải quan theo hướng phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trên thế giới… (Ảnh: Vietnam+)

Theo đó, các đối tượng có thể lợi dụng để thực hiện hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố từ sự phát triển của khoa học công nghệ, công nghệ mới để qua mặt các cơ quan chức năng. Các đối tượng cũng lợi dụng quy định tạo thuận lợi trong thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục hải quan để thành lập các doanh nghiệp “ma” nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Hay, việc sử dụng và chấp nhận tiền mặt rộng rãi trong các giao dịch về tài chính tại Việt Nam, kể cả giao dịch với giá trị lớn với hình thức chủ yếu là tiền mặt trao tay khiến cho các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xác minh nguồn gốc tiền và điểm đến…

Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã xuất hiện nhiều sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mới như tiền ảo, tài sản ảo, các hình thức thanh toán, cho vay trực tuyến... Điều này khiến nguy cơ xuất hiện các hành vi tội phạm nói chung và hành vi tội phạm rửa tiền rửa tiền có cơ hội gia tăng đột biến. Do đó, giải pháp quan trọng là hoàn thiện các cơ chế, quy định về biện pháp phòng ngừa áp dụng với các đơn vị để hoạt động phòng, chống rửa tiền đạt kết quả cao.

Cầm sớm hoàn thiện hành lang pháp lý

Nhận thức tầm quan trọng của công tác phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, ông Nguyễn Huy Công cho biết thực hiện Luật Phòng, Chống rửa tiền Cơ quan Hải quan đã ban hành các văn bản trong lĩnh vực kiểm soát hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra, quản lý rủi ro, thuế xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, Cơ quan Hải quan đã ký kết với cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng quy chế phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền mặt, kim loại quý, đá quý, công cụ chuyển nhượng qua biên giới.

Bên cạnh đó, ngành Hải quan đã đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro, công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó chú trọng kiểm tra về trị giá, mã số hàng hóa để kịp thời phát hiện những trường hợp áp sai mã số, trị giá hàng hóa, đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế xuất nhập khẩu.

Theo Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, các quy định trong Luật Phòng Chống rửa tiền năm 2022 cần được thực thi hiệu quả. Mặt khác, công tác tuyên truyền cần đẩy mạnh sâu rộng về ý nghĩa, biện pháp, nội dung, cách nhận diện các nghi vấn đối với hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố, để các đối tượng quản lý, các cá nhân tích cực phát hiện và phòng ngừa các loại tội phạm.

Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, hoạt động rửa tiền ở Việt Nam là khó tránh khỏi, thậm chí có nguy cơ khá cao, do nền kinh tế đang phát triển đi đôi với quy mô sử dụng tiền mặt. (Ảnh: Vietnam+)

Theo Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Minh Phong, trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, hoạt động rửa tiền ở Việt Nam là khó tránh khỏi, thậm chí có nguy cơ khá cao, do nền kinh tế đang phát triển đi đôi với quy mô sử dụng tiền mặt. Hơn nữa, cơ chế phòng, chống rửa tiền còn nhiều hạn chế, đặc biệt đối với các biện pháp phạt tiền và thu hồi tài sản phạm tội... Do đó, các cấp quản lý cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Xây dựng... cần thành lập và triển khai hoạt động nghiêm túc, hiệu quả các đoàn kiểm tra, giám sát các cấp và liên ngành.

Đồng tình với những ý kiến trên, ông Nguyễn Thanh Sơn-Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) nhấn mạnh để tiếp tục đưa sản phẩm tài chính toàn diện lan tỏa rộng rãi hơn nhưng vẫn đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả thì cần tiếp tục theo dõi, giám sát quản lý chặt chẽ việc thực thi chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng chống rửa tiền. Do đó, cơ quan quản lý phải liên tục rà soát các quy định hiện hành để đổi mới và hoàn thiện hỗ trợ đắc lực cho việc đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu về phòng chống rửa tiền cho các sản phẩm tài chính toàn diện./.