Phòng chống đuối nước: 'Học bơi là không đủ, mà còn cần kỹ năng sinh tồn'
Chuyên gia từ Chương trình Vận động Chính sách Y tế toàn cầu (GHAI) cho rằng các kỹ năng bơi sinh tồn cần được đưa vào chương trình giáo dục từ cấp tiểu học để có thể giảm tỷ lệ tử vong do đuối nước.
Tình hình mưa lũ, sạt lở sau cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) tại các tỉnh phía Bắc đã khiến cuộc sống của hàng triệu người bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Con số thương vong vẫn đang tiếp tục tăng lên, trong đó có nhiều vụ tử vong thương tâm do đuối nước.
Mới đây, Chương trình Vận động Chính sách Y tế toàn cầu (GHAI) thuộc Tổ chức Campaign for Tobacco-Free Kids (Chiến dịch Trẻ em không thuốc lá) đã tổ chức hội thảo về tuyên truyền phòng chống đuối nước tại Thái Lan cho một số quốc gia ưu tiên, trong đó có Việt Nam.
Nhân dịp này, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus trò chuyện với Thạc sỹ Đoàn Thu Huyền, Giám đốc quốc gia của Chiến dịch Trẻ em không thuốc lá về giải pháp tuyên truyền phòng chống đuối nước tại Việt Nam.
Nâng cao nhận thức về phòng chống đuối nước
- Xin bà chia sẻ khát quát về chương trình phòng chống đuối nước do Tổ chức Campaign for Tobacco-Free Kids triển khai tại các quốc gia?
Bà Đoàn Thu Huyền: Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố, ước tính có hơn 300.000 người tử vong do đuối nước vào năm 2021. Đây là một trong những vấn đề nghiêm trọng của y tế công cộng và là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu trên toàn cầu đối với trẻ em và thanh thiếu niên dưới 25 tuổi.
Có một thực tế đáng buồn là hơn 90% số trường hợp tử vong do đuối nước xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Từ năm 2017, chúng tôi bắt đầu triển khai chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em tại Việt Nam, sau đó, mở rộng tại Bangladesh, Uganda và Hoa Kỳ. Các hoạt động của chúng tôi tập trung vào đào tạo bơi an toàn cho trẻ em, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước, truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về gánh nặng của đuối nước và các biện pháp phòng tránh cho người dân.
- Chương trình này đã đạt được những kết quả tích cực như thế nào tại Việt Nam?
Bà Đoàn Thu Huyền: Trong 5 năm qua, theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia đạt được thành tựu nổi bật nhất trong công tác phòng chống đuối nước trẻ em.
Từ năm 2018, chương trình phòng chống đuối nước của chúng tôi bắt đầu thực hiện tại 8 tỉnh, thành phố- nơi có tình hình đuối nước trẻ em cao và tiếp tục mở rộng địa bàn. Đến năm 2024, chương trình đã bao phủ tại 136 xã của 39 huyện của 15 tỉnh, thành phố với mục tiêu gồm: Nâng cao nhận thức về nguy cơ và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em và hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý, điều phối, phối hợp triển khai công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam; Tăng cường dạy bơi và nâng cao kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6 đến dưới 15 tuổi tại các tỉnh thuộc địa bàn chương trình.
Theo kết quả nghiên cứu độc lập của Trường Đại học Y tế công cộng, chúng tôi đã phối hợp với bộ ngành liên quan và chính quyền địa phương đào tạo và cấp giấy chứng nhận cho hơn 1.000 giảng viên về dạy bơi an toàn, huy động và cung cấp 86 bể bơi dành cho chương trình.
Trong 5 năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng bơi đại dịch COVID-19, chương trình đã dạy bơi miễn phí cho gần 32.000 trẻ em và dạy kỹ năng an toàn cho hơn 52.000 trẻ em. Tỉ lệ trẻ biết bơi chung của trẻ em đã tăng 2,2 lần so với thời điểm trước can thiệp (từ 14,7% lên 32,6%), cao hơn tỷ lệ trung bình của toàn quốc. Tỷ suất tử vong do đuối nước trẻ em tại các địa bàn triển khai chương trình đều giảm.
Dạy 'bơi sinh tồn' trong trường học
- Tại Việt Nam, việc triển khai các chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống đuối nước và dạy kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước có những thuận lợi và thách thức gì, thưa bà?
Bà Đoàn Thu Huyền: Một trong những thuận lợi đầu tiên của công tác truyền thông nâng cao nhận thức là sự tham gia tích cực và chủ động hơn của các bộ ngành và chính quyền địa phương, đặc biệt là ngành lao động và ngành giáo dục thông qua việc hoàn thiện các tài liệu truyền thông và chủ động truyền thông trước thời điểm nguy cơ đuối nước cao (dịp nghỉ Hè, mùa mưa lũ). Các tài liệu đều được đăng tải trên các website để các trường học tiếp cận.
Thứ hai là nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao thể hiện qua việc chủ động tìm kiếm thông tin nhằm bảo vệ sức khỏe và phòng chống đuối nước cho con em mình.
Thứ ba là vai trò quan trọng của truyền thông mạng xã hội. Các thông tin được lan tỏa nhanh hơn và đa dạng nhiều hinh thức để thu hút hơn nữa sự quan tâm và nâng cao hiểu biết của cộng đồng, đặc biệt là phụ huynh và trẻ em.
Tuy nhiên, tại một số khu vực có điều kiện hạn chế khi tiếp cận thông tin qua Internet thì người dân cần được truyền thông bằng hình thức trực tiếp của cán bộ y tế và công tác trẻ em hoặc hệ thống loa truyền thanh.
Tôi đã từng đến nhiều vùng sâu, vùng xa. Ở đó, phụ huynh phải đi làm ăn xa, họ gửi con em cho ông bà hoặc người lớn tuổi trong gia đình chăm sóc. Những trẻ em này thật sự cần quan tâm và ưu tiên hơn, không chỉ trong việc nâng cao nhận thức mà còn ưu tiên để can thiệp dạy bơi và dạy kỹ năng an toàn cho trẻ.
- Hiện nay có nhiều chuyên gia cho rằng việc đào tạo kỹ năng bơi ở Việt Nam chưa toàn diện, cụ thể là cần phải đào tạo kỹ năng bơi sinh tồn chứ không chỉ coi bơi như một môn thể dục, thể thao. Vậy bà có quan điểm như thế nào về đào tạo bơi ở Việt Nam?
Bà Đoàn Thu Huyền: Đuối nước xảy ra mọi lúc, mọi nơi, với bất kỳ ai. Do đó, phòng chống nó cần nhiều biện pháp đa ngành.
Đầu tiên chúng ta cần khẳng định rằng học bơi an toàn là một trong những biện pháp hiệu quả để phòng chống đuối nước. Tùy vào điều kiện và thể chất của trẻ em, có thể mỗi quốc gia có những tiêu chí về bơi an toàn khác nhau nhưng WHO đã khuyến nghị là bơi tối thiểu 25m và nổi ít nhất 30 giây. Đó là điều kiện tối thiểu để được giải cứu hoặc tự cứu.
Để phòng chống đuối nước, học bơi rõ ràng là không đủ trong bối cảnh hiện nay. Đối với trẻ em ở độ tuổi tiểu học trở lên, chúng ta cần dạy trẻ kỹ năng an toàn trong môi trường nước, bao gồm kỹ năng tự cứu và các xác định nguy cơ, kỹ năng cứu đuối gián tiếp…
Với các đối tượng khác như trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, thì việc dạy bơi chưa phổ biến bởi những yêu cầu khắt khe về giảng viên và môi trường giảng dạy. Do đó, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần chủ động giám sát trẻ ở lứa tuổi này, tránh xa nơi nguy hiểm.
- Siêu bão Yagi khiến nhiều tỉnh miền Bắc bị lũ lụt nặng nề. Lúc này, việc đào tạo bơi an toàn càng quan trọng hơn bao giờ hết. Ngay lúc này, bà có đề xuất gì với Nhà nước trong việc đào tạo, tuyên truyền kỹ năng bơi sinh tồn?
Bà Đoàn Thu Huyền: Theo Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về phòng chống đuối nước, một trong những khuyến nghị quan trọng là các quốc gia lồng ghép vấn đề phòng chống đuối nước trong xây dựng kế hoạch hành động phòng chống thiên tai, thảm họa.
Có mối liên quan quá rõ ràng về vấn đề đuối nước, đặc biệt là trẻ em với biến đổi khí hậu, ví dụ như lũ lụt, thiên tai hoặc vấn đề ấm lên của toàn cầu, khiến các hoạt động vui chơi của trẻ em và thanh thiếu niên trong môi trường nước mở tăng lên, từ đó, tăng nguy cơ bị đuối nước.
Việt Nam đã thực hiện rất tốt công tác này trong thời gian qua và tôi hy vọng chúng ta có thể làm tốt hơn nữa việc đưa kiến thức về an toàn trong môi trường nước và phòng chống đuối nước vào giảng dạy trong trường học để trẻ em có kỹ năng cần thiết.
Ngoài ra, trong những điều kiện và hoàn cảnh phù hợp, năng lực khả thi, các trường học và cộng đồng xem xét tổ chức các lớp học bơi an toàn cho trẻ em, có sự tham gia của các giảng viên có chứng chỉ và kiến thức về kỹ năng an toàn.
Hơn ai hết, chính cha mẹ và người chăm sóc trẻ nên chủ động hơn nữa để nâng cao nhận thức và thực hiện các biện pháp an toàn cho con em mình. Đôi khi, chỉ nhắc nhở và giám sát con thường xuyên cũng là biện pháp rất đơn giản để tránh những trường hợp đau lòng do đuối nước gây ra.
- Xin trân trọng cảm ơn bà./.