Phối hợp nhiều chuyên khoa cứu sống bệnh nhân bị sốc mất máu

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết đơn vị vừa cứu sống một bệnh nhân sốc mất máu nghiêm trọng với nhiều vết thương phức tạp trên người do bị đâm, nguy cơ tử vong cao.

Bác sỹ Lê Ngọc Sơn, Phó Khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực 2, thăm khám cho bệnh nhân trước khi xuất viện. (Ảnh: TTXVN phát)

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết đơn vị vừa phẫu thuật và truyền 65 đơn vị máu để cứu sống một bệnh nhân bị sốc mất máu nghiêm trọng với nhiều vết thương phức tạp trên người.

Cụ thể, ngày 9/11, Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận một bệnh nhân nam (33 tuổi) nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, sốc mất máu, mạch nhanh và khó bắt, huyết áp không đo được, ý thức lơ mơ.

Qua thăm khám, trên người bệnh nhân có vết thương thấu bụng vùng hạ sườn phải dài 10cm, nghi tổn thương các tạng phức tạp ổ bụng. Cánh tay phải của bệnh nhân cũng có vết thương sâu dài 10cm, nghi ngờ đứt toàn bộ động mạch và thần kinh cánh tay.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có vết thương tại vùng đùi phải dài khoảng 10cm nghi ngờ tổn thương nhánh tĩnh mạch đùi phải, vết thương phần mềm đùi trái và vết thương bàn tay trái… Cơ hội sống của bệnh nhân được tiên lượng rất mong manh do mất máu nhiều.

Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã kích hoạt báo động đỏ nội viện, mời các bác sỹ liên chuyên khoa: Gây mê hồi sức, Ngoại tổng hợp 1, Phẫu thuật Thần kinh-Lồng ngực-Chấn thương, Huyết học Truyền máu… phối hợp cấp cứu cầm máu khẩn cấp, đồng thời đưa ra phương án ưu tiên phẫu thuật cứu sống người bệnh.

Suốt 6 giờ đồng hồ, êkíp các bác sỹ thuộc 4 chuyên khoa đã tiến hành phẫu thuật ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể bệnh nhân; đồng thời dồn toàn lực hồi sức tích cực, cầm máu, truyền máu khẩn cấp, ngăn ngừa nguy cơ bệnh nhân sốc mất máu, đảm bảo an toàn cho ca phẫu thuật.

Sau khi mở ổ bụng, các bác sỹ phát hiện có khoảng 3,5 lít máu ngập trong ổ bụng bệnh nhân, tĩnh mạch chủ dưới bị đâm rách kích thước dài khoảng 4cm. Rất nhanh chóng, êkíp phẫu thuật mạch máu đã tiến hành khâu phục hồi cầm máu tĩnh mạch chủ dưới. Êkíp ổ bụng xử lý tổn thương rách đại tràng, cắt bỏ đoạn đại tràng bị thủng đưa 2 đầu ruột ra làm hậu môn nhân tạo.

Sau khi xử trí xong vết thương ổ bụng, các bác sỹ phẫu thuật mạch máu tiến hành nối động mạch cánh tay, nối thần kinh giữa cánh tay phải, khâu vết thương bàn tay trái, khâu vết thương bên nhánh tĩnh mạch đùi phải, vết thương phần mềm đùi trái, xử trí thành công toàn bộ tổn thương cho bệnh nhân.

Tuy nhiên sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân vẫn còn rất nguy kịch, hôn mê sâu, thở máy, sốc mất máu nặng, rối loạn đông máu. Bệnh nhân đối mặt với nguy cơ cao của xuất huyết não, suy đa tạng.

Bác sỹ Lê Thanh Hoài, Phó trưởng Khoa Ngoại tổng hợp 1 cho biết: "Đây là trường hợp có chấn thương nghiêm trọng, mất máu nhiều, nguy cơ tử vong cao, tính mạng người bệnh tính bằng phút. Do đó, bắt buộc phải thực hiện phẫu thuật cùng lúc để rút ngắn thời gian phẫu thuật, kiểm soát cầm máu tốt hơn, tăng tỷ lệ cứu sống bệnh nhân. Trước, trong và sau phẫu thuật, bệnh nhân đã được truyền 65 đơn vị máu và chế phẩm máu (tương đương khoảng 11 lít máu) để bù đắp lượng máu mất và duy trì tuần hoàn."

Với tinh thần trách nhiệm cao vì người bệnh, quyết định xử trí cấp cứu đúng đắn, khẩn trương, kịp thời và sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ y, bác sỹ khoa Gây mê hồi sức, tình trạng bệnh nhân dần cải thiện, các chỉ số sinh tồn ổn định trở lại, dấu hiệu xuất huyết giảm dần. Bệnh nhân được rút nội khí quản thành công sau 48 giờ điều trị tích cực. Sau khi ổn định, bệnh nhân tiếp tục được chuyển về khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực 2 để theo dõi và điều trị theo phác đồ.

Sau hơn 20 ngày nhập viện, bệnh nhân hồi phục sức khỏe tốt và đã được ra viện. Thành công này tiếp tục khẳng định năng lực xử trí cấp cứu tại chỗ đối với các trường hợp chấn thương nặng, phức tạp của đội ngũ y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa./.