Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thị sát khắc phục hậu quả sau bão số 3 ở Nam Định
Nhấn mạnh tình hình thời tiết thiên tai diễn biến phức tạp, khó xử lý, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Nam Định tiếp tục chủ động, chuẩn bị đầy đủ phương án để giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Chiều 12/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Đoàn công tác đã đến tỉnh Nam Định để kiểm tra, nắm bắt tình hình mưa lũ, sạt lở; thăm hỏi động viên nhân dân và chỉ đạo khắc phục thiệt hại thiên tai.
Chủ động, chuẩn bị đầy đủ phương án
Có mặt tại một số điểm đê thuộc xã Tân Mỹ, thành phố Nam Định; đê Nghĩa An, huyện Nam Trực, Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm thực hiện công tác phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ với tinh thần "bốn tại chỗ" của cấp ủy, chính quyền tỉnh Nam Định, lực lượng Quân đội, Công an, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích... Đặc biệt, mọi người dân đã tuân thủ các hướng dẫn, biện pháp phòng chống bão, lụt, luôn đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong lúc khó khăn.
Nhấn mạnh tình hình thời tiết thiên tai diễn biến phức tạp, khó xử lý, Phó Thủ tướng yêu cầu Nam Định tiếp tục chủ động, chuẩn bị đầy đủ phương án để giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Phó Thủ tướng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ưu tiên cao nhất bảo vệ con người và tài sản của dân, ưu tiên chống lũ và bảo vệ đê. Do đó, hồ đập lớn được điều tiết để xả ít nhất, chống lũ tối đa, bảo đảm an toàn đê điều, ngăn ngừa nguy cơ sạt lở và giảm thiểu thiệt hại sản xuất nông nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo điều tiết công suất của Nhà máy thủy điện Hòa Bình để ưu tiên giảm lũ cho hệ thống sông Hồng với lưu lượng xả giảm còn 1.200m3/s.
Ghi nhận sự chủ động của Nam Định trong công tác chống lũ và khắc phục hậu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ người dân. Chính quyền cùng người dân giải quyết các vấn đề sau ngập lụt như nước uống, dọn dẹp vệ sinh môi trường, dịch bệnh…
Bộ Y tế nắm bắt tình hình nguy cơ dịch bệnh, đảm bảo phòng chống chủ động sau khi nước lũ rút đi. Bộ Tài nguyên và Môi trường bảo đảm vật tư, hóa chất xử lý ô nhiễm môi trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn địa phương hỗ trợ chuẩn bị giống hoa màu, phân bón... để người dân nhanh chóng quay trở lại sản xuất, chuẩn bị cho dịp cuối năm.
Phó Thủ tướng lưu ý 5 tuyến đê biển của Nam Định vẫn an toàn nhưng cần phải rút bài học kinh nghiệm, xác định nhiệm vụ cụ thể, bao gồm cả đầu tư hạ tầng thiết yếu nhằm chủ động hơn nữa với thiên tai, bão lũ trong thời gian tới; báo cáo Trung ương những vấn đề vượt khả năng của tỉnh.
Tính mạng con người được đảm bảo an toàn tuyệt đối
Trước đó, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết theo cập nhật mới nhất, mực nước sông Đào (Nam Định) vượt 102 cm so với báo động 3. Dự báo, lũ trên sông Đào sẽ đạt đỉnh vào đêm nay và sau đó nước sẽ rút dần. Tình trạng ngập sâu sẽ giảm dần, bắt đầu từ sáng mai.
Trước tình hình này, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã yêu cầu 9 huyện, thành phố trên địa bàn thành lập 22 sở chỉ huy hiện trường, mỗi huyện từ 1 đến 4 sở chỉ huy, tùy tình hình thực tế. Đặc biệt, một số sở chỉ huy hiện trường có sự tham gia của lực lượng quân sự, công an, biên phòng, nông nghiệp,...; sẵn sàng hỗ trợ, điều phối lực lượng tới các địa phương.
"Điểm nào thiếu vật tư, nhân lực, tỉnh sẽ kịp thời phân phối," ông Trần Anh Dũng nói.
Theo ông Trần Anh Dũng, cả hệ thống chính trị tỉnh Nam Định tập trung lo cho người dân, không để người nào bị thiếu đói, quan tâm đến người già, người cô đơn, người đau ốm và yếu thế... Các cấp chính quyền huy động các nguồn lực, huy động phương châm “4 tại chỗ;” đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, trực chiến 24/24 giờ.
Đến thời điểm này, tính mạng con người được đảm bảo an toàn tuyệt đối, tài sản lớn hầu như không bị ảnh hưởng.
Tỉnh Nam Định đã sơ tán hơn 15.000 người ra khỏi vùng ngập sâu, bị chia cắt, cô lập. Trong đó, riêng xã Mỹ Tân đã sơ tán gần 8.000 người; huyện Ý Yên sơ tán gần 4.200 người, huyện Trực Ninh khoảng 1.500 người...
Tỉnh Nam Định quán triệt tinh thần, phát hiện dấu hiệu nước dâng nguy hiểm đến sẽ xử lý triệt để ngay từ cơ sở. Trường hợp cần thiết sẽ tăng cường lực lượng từ tỉnh xuống địa bàn các xã để hỗ trợ, xử lý. Lực lượng xung kích chính là lực lượng quốc phòng, công an, biên phòng với tinh thần "hiệp đồng tác chiến."
"Ủy ban Nhân dân tỉnh đã xây dựng các kịch bản ứng phó theo tình huống có thể xảy ra. Trong trường hợp khẩn cấp sẽ xin chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy," ông Trần Anh Dũng cho biết.
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng và Đoàn công tác cũng thăm hỏi, động viên người dân, học sinh đang sơ tán tại Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Mỹ Tân, xã Mỹ Tân, thành phố Nam Định. Trong đó, các thầy cô đã bố trí học và ăn ở tại chỗ cho khoảng 250 học sinh có nhà bị ngập lụt.
Phó Thủ tướng mong muốn người dân đoàn kết vượt qua khó khăn do thiên tai, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy, chính quyền địa phương, từ đó sớm trở lại cuộc sống sinh hoạt, sản xuất thường ngày./.