Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo phòng, chống bão tại Hải Phòng
Một vấn đề được Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý đó là vấn đề mất điện, thông tin liên lạc. Điều này ảnh hưởng lớn nếu xảy ra thảm họa, do đó, cần chuẩn bị từ sớm, từ xa, duy trì kênh thông tin liên lạc.
Trưa 7/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp tại Sở chỉ huy tiền phương đặt tại Hải Phòng với các địa phương thuộc địa bàn Quân khu 3 về công tác phòng, chống bão số 3.
Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thông tin đến thời điểm này, bão số 3 nằm trên bờ biển Quảng Ninh-Hải Phòng, cường độ đo được cấp 12-13, giật mạnh hơn dự báo. Bạch Long Vỹ cấp độ gió đã ghi nhận cấp 13 giật cấp 14-15, Cô Tô cấp 13 giật cấp 16, Đồ Sơn cấp 7 giật cấp 8, Cát Hải cấp 6 giật cấp 9, khoảng 13 giờ bão số 3 đi vào Cát Hải, Hải Phòng và Bãi Cháy, Quảng Ninh.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là một cơn bão mạnh, nguy hiểm, diễn biến đi qua các khu vực không giảm đi mà tăng lên, cấp độ cơn bão và cấp độ giật lên đến 2,3 cấp, cường độ, vùng tác động lớn. Khu vực ảnh hưởng Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, ngoài vùng biển khơi cấp 4, 5.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý đối với Hải Phòng, Nam Định có nhiều tuyến đê xung yếu, khi có vấn đề khó khăn, phức tạp cần báo cáo Bộ chỉ huy tiền phương để điều động lực lượng kịp thời chống bão.
Đối với Thái Bình, về cơ bản hệ thống đê khá tốt, thiết kế có thể chống chịu được, tuy nhiên không chủ quan, tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Hiện các địa phương xảy ra gió lớn, cây đổ, các công trình xây dựng bị gió bão làm đổ gây ra thiệt hại người và tài sản, vì vậy các địa phương cấm đường, cấm người dân ra khỏi nhà khi không cần thiết.
Các địa phương có các hồ chứa thủy lợi, thủy điện có công năng điều tiết lũ, đề nghị Bộ Nông nghiệp kiểm tra và duy trì phối hợp với lực lượng vũ trang quân đội để xem vận hành xả lũ, kiểm tra nghiêm quy chế điều tiết lũ, tránh tình trạng lũ chồng lũ.
Theo Phó Thủ tướng, bão số 3 không chỉ nguy hiểm bởi sức mạnh của gió mà hoàn lưu sau bão, các huyện đảo, các khu vực vùng núi, đê sông, đê biển, các khu vực có nhiều khả năng sạt lở, sông nhỏ, dốc thì lượng mưa này gây lũ ống lũ quét, yêu cầu thực hiện tập trung, sát tình hình mưa, áp dụng các công cụ đã có cung cấp thông tin thôn, bản, phường, xã.
Một vấn đề được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đặc biệt lưu ý đó là vấn đề mất điện, thông tin liên lạc. Điều này ảnh hưởng lớn nếu xảy ra thảm họa, do đó, cần chuẩn bị từ sớm, từ xa, duy trì kênh thông tin liên lạc. Bộ Quốc phòng huy động lực lượng thiết bị để có nhiều hình thức thông tin thông suốt từ lãnh đạo tỉnh, từ lãnh đạo đến cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp.
Theo báo cáo của lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 3, hiện Bộ Tư lệnh đã huy động 50.000 cán bộ, chiến sỹ, 600 phương tiện trên địa bàn toàn quân khu để ứng trực với bão và đã bố trí lực lượng tại các điểm trọng yếu, sẵn sàng triển khai nhiệm vụ.
Theo thông tin từ huyện Bạch Long Vỹ, đến thời điểm này, bão đã đi qua, tuy nhiên chưa thống kê được thiệt hại.
Ghi nhận tại khu vực nội thành Hải Phòng, từ 10 giờ sáng, gió mạnh dần lên làm đổ cây cối. Hiện gió đang rất lớn kèm mưa to. Tình trạng cung ứng điện trên địa bàn thành phố rất chập chờn, khả năng có thể mất điện diện rộng trên toàn thành phố./.