Phó Thủ tướng: Phát triển thị trường tín chỉ carbon đồng bộ và toàn diện
Phó Thủ tướng cho rằng cần có đánh giá tác động của các công cụ kinh tế, tài chính, thuế, bảo đảm sự hài hòa, minh bạch trong trách nhiệm, quyền lợi của các chủ thể tham gia thị trường tín chỉ carbon.
Sáng 8/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về Đề án Thành lập Thị trường Tín chỉ Carbon tại Việt Nam (Đề án).
Nhấn mạnh các cam kết về cắt giảm phát thải khí nhà kính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ việc thành lập thị trường tín chỉ carbon là cơ hội để Việt Nam chuyển sang mô hình phát triển phù hợp trong tương lai. Do đó, Đề án cần cập nhật những chính sách, thỏa thuận toàn cầu cũng như các chiến lược, quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được ban hành với định hướng ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng, giảm phát thải khí nhà kính...
"Việc thành lập thị trường tín chỉ carbon góp phần chuẩn bị các chính sách lớn trên phạm vi toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính, phân bổ hạn ngạch phát thải, trao đổi tín chỉ carbon, tạo nguồn lực Tài chính Xanh để doanh nghiệp đổi mới công nghệ," Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng cho rằng Đề án phải "trả lời" được câu hỏi về phạm vi triển khai, sản phẩm, mô hình hoạt động; từ đó tạo khuôn khổ, môi trường pháp lý, năng lực tổ chức, cơ chế vận hành, yêu cầu năng lực kỹ thuật để thành lập, phát triển đồng bộ và toàn diện thị trường tín chỉ carbon; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể tham gia.
Nhấn mạnh vai trò dẫn dắt, kiến tạo của Nhà nước, Phó Thủ tướng cho rằng cần có đánh giá tác động của các công cụ kinh tế, tài chính, thuế, bảo đảm sự hài hòa trong nước với quốc tế, tính minh bạch trong trách nhiệm, quyền lợi của các chủ thể tham gia thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nâng cao năng lực xác định/phân bổ hạn ngạch phát thải cho các ngành, lĩnh vực theo kế hoạch cụ thể, rõ ràng; thực thi các quy định, tiêu chuẩn về cơ chế thống kê, đo đếm, chứng nhận hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế, nhất là trong lĩnh vực vận tải, điện tử, nông nghiệp…
Bộ Tài chính cần huy động sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan, đội ngũ chuyên gia về cắt giảm phát thải khí nhà kính, kinh tế, tài chính, luật pháp quốc tế về biến đổi khí hậu; nghiên cứu đầy đủ, toàn diện, kỹ lưỡng việc hình thành các chính sách liên quan đến thị trường tín chỉ carbon ở các quốc gia khác; từ đó đề xuất cách tiếp cận, quan điểm, mục đích, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, lộ trình thực hiện Đề án.
Trước đó, theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận, thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn và định hướng phát triển của quốc gia, cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với quốc tế và xu hướng phát triển thị trường tín chỉ carbon toàn cầu, góp phần tận dụng tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế trong nước trong việc tham gia hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Đề án nhằm bảo đảm thị trường tín chỉ carbon trong nước hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện và thông lệ quốc tế; hài hòa lợi ích của các chủ thể trên thị trường tín chỉ carbon, tăng sức cạnh tranh của quốc gia theo hướng phát triển kinh tế phát thải ít carbon và Tăng trưởng Xanh gắn liền với phát triển bền vững.
Hàng hóa trên thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam gồm 2 loại: hạn ngạch phát thải khí nhà kính; tín chỉ carbon do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường trong nước.
Chủ thể tham gia thị trường bao gồm: cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính; các tổ chức thực hiện chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon; tổ chức và cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật; tổ chức hỗ trợ giao dịch.
Đề án nhằm mục tiêu phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, chuyên gia đã tập trung làm rõ một số khó khăn vướng mắc liên quan đến tình trạng thiếu đồng bộ trong hệ thống cơ chế chính sách quản lý tín chỉ carbon nông nghiệp, lâm nghiệp; phần lớn vùng sản xuất nông nghiệp và diện tích rừng chưa được phát triển tín chỉ carbon; thiếu sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; hạn chế trong đo đạc, kiểm đếm, thẩm định, chứng nhận; xác định hàm lượng carbon trong hàng hóa...
Một số ý kiến cho rằng Đề án cần xác định rõ hơn mô hình thị thường với lộ trình triển khai, nhất là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan; đánh giá tác động toàn diện với các ngành sản xuất cũng như hiệp định, cam kết quốc tế…/.