Phó Thống đốc: Sẽ dành cơ chế đặc thù cho khu vực Tây Nguyên
Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng mạnh dạn hơn cùng các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề khó khăn vướng mắc trong tiếp cận tín dụng của khu vực Tây Nguyên.
Bên lề Hội nghị Kết nối ngân hàng-doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này đã nhận diện đầy đủ các vướng mắc của doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên. Trên cơ sở đó sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng mạnh dạn hơn cùng các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề khó khăn trong tiếp cận tín dụng.
- Xin Phó Thống đốc cho biết, trong thời gian qua, đã có giải pháp nào để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp trên địa bàn khu vực Tây Nguyên?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Câu chuyện tiếp cận vốn tín dụng là một trong những vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước đã và đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng hết sức quan tâm, tích cực đẩy mạnh gia tăng mở rộng tín dụng từ nay đến cuối năm cũng như thời gian tới để giúp cho doanh nghiệp vừa giải quyết khó khăn do tác động kép của nền kinh tế thế giới. Qua đó tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp vừa giải quyết khó khăn do tác động kép của nền kinh tế thế giới cũng như nội tại doanh nghiệp.
Để tăng khả năng tiếp cận tín dụng, ngoài ban hành cơ chế chính sách khá đầy đủ, Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh tổ chức nhiều chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên toàn quốc. Thông qua các hội nghị đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với doanh nghiệp những khó khăn vướng mắc được đưa ra cùng giải quyết.
[Doanh nghiệp cần làm gì để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng]
Tại khu vực Tây Nguyên sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi liên quan vấn đề về tín dụng, lãi suất, các ngành nghề có tính chất đặc thù cần hỗ trợ tại Tây Nguyên, với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
- Một số doanh nghiệp kiến nghị cần có chính sách đặc thù đối với cho vay tại khu vực Tây Nguyên. Xin Phó Thống đốc cho biết quan điểm, định hướng của Ngân hàng Nhà nước?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Chúng tôi cũng rất hiểu đặc thù của 5 tỉnh Tây Nguyên và có thể nói vốn dành cho vốn cho lĩnh vực nông nghiệp và những ngành đặc thù như cây càphê, tiêu, điều… Những năm qua có một số sản phẩm tích cực như sầu riêng và một số sản phẩm khác ngành ngân hàng đã rất chú trọng.
Tuy nhiên, vấn đề tôi thấy nhiều doanh nghiệp nói cần có cơ chế đặc thù hơn, tôi hoàn toàn đồng tình có cơ chế đặc thù riêng, nhất là với cây càphê. Cách đây 5-7 năm trước có chương trình tái canh cây cà phê nhưng chưa thực hiện trọn vẹn. Làm sao để giúp càphê thành cây thế mạnh, chủ lực của vùng Tây Nguyên hy vọng trong thời gian tới cùng các ngân hàng thương mại có dư nợ cho vay càphê lớn ở khu vực này sẽ tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ cho 5 tỉnh Tây Nguyên.
Chúng tôi sẽ chỉ đạo Agribank - ngân hàng 100% vốn Nhà nước cũng là ngân hàng cho vay chủ lực nông nghiệp nông thôn sẽ là đầu mối phối hợp với các ngân hàng thương mại khác khác nghiên cứu, khẩn trương đưa ra các giải pháp hỗ trợ mở rộng tái canh cây càphê, giúp cho việc thu mua chế biến xuất khẩu hiệu quả nhất.
Ngân hàng Nhà nước đã nhận diện đầy đủ các vướng mắc của doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên. Trên cơ sở đó sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng mạnh dạn hơn cùng các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề khó khăn vướng mắc trong tiếp cận tín dụng. Chẳng hạn hai bên ngân hàng - doanh nghiệp cần tích cực chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau qua việc mạnh dạn cho vay tín chấp, theo dõi dòng tiền, giảm bớt thủ tục tài sản thế chấp bằng bất động sản. Song, nguyên tắc an toàn vốn vẫn phải đảm bảo. Đây là vấn đề Ngân hàng Nhà nước quan tâm và sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại làm mạnh hơn thời gian tới.
- Nhiều doanh nghiệp kiến nghị ngành ngân hàng cần có chính sách phục vụ kịp thời vốn cho doanh nghiệp khi mà mùa vụ tới. Ông nghĩ sao về đề xuất này?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Đúng là lúc vào mùa vụ, doanh nghiệp rất cần hỗ trợ vốn nhanh, kịp thời. Do đó, để giải quyết câu chuyện này, các ngân hàng thương mại phải theo rất sát, nắm bắt xu hướng, tính toán hiệu quả, thực trạng thị trường tiêu thụ, bám sát nhu cầu vốn của doanh nghiệp nói riêng cũng như toàn bộ ngành nghề ở địa phương để đưa ra hạn mức tín dụng phù hợp.
Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ động của các ngân hàng cần có sự phối hợp chặt chẽ, tốt hơn của các địa phương, các sở ban ngành, hiệp hội với ngân hàng để làm sao bà con tiếp cận vốn phục vụ cho mùa vụ.
Trên cơ sở đó, đến khi vào mùa vụ, ngân hàng đã sẵn sàng cơ chế để có thể cho vay nhanh nhất, thuận lợi nhất, không làm mất cơ hội của bà con nông dân và doanh nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu, thu mua chế biến tránh thua thiệt so với doanh nghiệp FDI ngay trên sân nhà.
- Một số doanh nghiệp cũng mong muốn lãi suất cần ổn định hơn để doanh nghiệp yên tâm tập trung sản xuất kinh doanh?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Trong quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng, doanh nghiệp thường nói lãi suất còn cao, trong khi nhiều ngân hàng nói lãi suất đã xuống thấp. Nhưng cũng phải thừa nhận vẫn có những ngân hàng cho vay lãi suất cao bởi trước đó đã huy động cao.
Nhiều ngân hàng khi chưa đến hạn trả nợ thì chưa giảm lãi cho khách hàng, có nơi giảm nhiều, có nơi giảm ít. Nhưng một thực tế là có ngân hàng giảm lãi suất còn chậm.
Ngân hàng Nhà nước không quyết định được lãi suất cho vay vì đó là toàn quyền của ngân hàng thương mại nhưng lãi suất phải phù hợp với mặt bằng chung và ngân hàng phải thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là phải giảm lãi suất cho vay bằng nhiều hình thức.
Thực tế các ngân hàng vẫn có những lo ngại hình sự hoá các quan hệ dân sự. Vì vậy, nếu khách hàng không thể trả được nợ với lý do khách quan thì chủ trương chung là không hình sự hoá quan hệ dân sự.
- Xin cảm ơn Phó Thống đốc!