Phó Thống đốc: Khôi phục sức khỏe của doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu
Định hướng của Ngân hàng Nhà nước những tháng cuối năm là sẽ triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo về tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 22/8 tại Hà Nội, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu, trong đó sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ.
Ngân hàng đang "đứng giữa hai dòng nước"
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết số lượng doanh nghiệp vay vốn ngân hàng kể từ đầu năm đã giảm hơn 1.000 đơn vị. Có những doanh nghiệp hoạt động nhờ 90%-100% vốn vay ngân hàng và tỷ lệ vay vốn cao như vậy trong điều kiện hiện nay thì rõ ràng là rất khó khăn.
Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng cũng đã có nhiều nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, song tín dụng nền kinh tế tính đến tháng Bảy vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022.
[Yêu cầu các ngân hàng giảm thêm 1,5-2% lãi vay, kể cả với khoản vay cũ]
Đáng chú ý, theo công bố trước đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng Tư, tháng Năm, tháng Sáu đạt lần lượt 3,03% - 3,27% - 4,73%. Như vậy, sau khi có sự hồi phục tích cực trong tháng Sáu, tín dụng lại bất ngờ chững lại, thậm chí là tăng trưởng âm trong tháng Bảy.
Theo ông Tú, chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như hiện nay. Trong khi các nước vẫn đang thắt chặt tiền tệ thì chúng ta giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ.
“Đến nay nhiều khoản nợ giãn hoãn từ dịch COVID-19 chưa xong, chúng ta lại tiếp tục giãn hoãn cho nhiều khoản nợ khác. Cứ 10 năm thì lại rơi vào tình trạng khó khăn. Người ta hay nói phải chăng đó là quy luật. Vậy khó khăn sẽ kéo dài đến bao giờ? Thực tế hiện nay trên thế giới, chưa thấy nước nào tuyên bố hết khó khăn,” Phó Thống đốc chia sẻ.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu, trong đó sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ.
Phó Thống đốc nhấn mạnh nếu không tạo điều kiện cho tín dụng thì sẽ khó có tăng trưởng. Nhưng nếu “tháo” điều kiện tăng trưởng tín dụng thì nợ xấu tăng lên, khiến “cục máu đông” nợ xấu vừa mới tạm thời được xử lý lại quay trở lại.
“Nếu nợ xấu tăng, chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn, tạo ra ách tắc vốn cho nền kinh tế,” ông Tú nói.
Vì vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng các ngân hàng đang đứng giữa 2 dòng nước, vừa phải đảm bảo an toàn nợ xấu, vừa phải tăng trưởng, chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp cùng nhau vượt qua.
“Ngân hàng rất khác doanh nghiệp, chỉ có lãi ít, lãi nhiều chứ không thể lỗ, vì nếu ngân hàng lỗ sẽ dẫn đến đổ vỡ, kéo theo cả hệ thống khó khăn. Không chỉ Việt Nam mà các nước cũng vậy,” Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Khơi thông những điểm nghẽn
Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu cho rằng hiện nay vẫn có những “điểm nghẽn” trong khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế.
Về nguyên nhân, theo Tiến sỹ Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) do vẫn còn một số hạn chế tồn tại như gói hỗ trợ lãi suất 2% không hiệu quả. Doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn từ các Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bà Nguyễn Minh Thảo cũng dẫn chứng thêm, đơn cử như liên quan đến vấn đề chậm hoàn thuế VAT, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ bị chậm hoàn thuế với con số lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro, không những không cải thiện mà còn tạo thêm rào cản và gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, năng lực hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế giảm còn xuất phát từ sự “lệch pha” của cả phía ngân hàng lẫn các doanh nghiệp. Cụ thể, ở phía ngân hàng, nhiều ngân hàng cẩn trọng hơn trong tăng trưởng tín dụng khi những lo ngại về nợ xấu, thậm chí mất vốn đang ngày càng gia tăng trong bối cảnh kinh tế bất thuận.
Trong khi đó, ở phía doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cũng cho hay không đủ điều kiện vay vì nợ xấu, do bối cảnh kinh tế khó khăn lẫn phức tạp nên doanh nghiệp không dám mở rộng sản xuất, kinh doanh… Do đó, để giải quyết được bài toán vĩ mô này cần phải có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn từ Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan.
Ông Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) nêu quan điểm, cần khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay như giảm chi phí vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán, kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản, sử dụng tín dụng thuế đầu tư ngắn hạn.
“Tuy nhiên, cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh 10% và tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập. Ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khóa,” ông Thế Anh lưu ý.
Bên cạnh đó, theo ông Thế Anh, cần tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải đồng thời kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc. Nâng mức thu nhập chịu thuế/giảm thuế suất thu nhập cá nhân. Giảm VAT hàng thiết yếu nội địa.
Định hướng của Ngân hàng Nhà nước những tháng cuối năm là sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu đã đề ra đồng thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế./.