Phố núi B’Lao “khát” nước sinh hoạt dù có công trình cấp nước hàng chục tỷ đồng
Một người dân Bảo Lộc (Lâm Đồng) cho biết: "Cứ tầm năm ngày gia đình tôi lại phải mua nước một lần, mất 300.000 đồng cho ba m3. Tính sơ bộ một tháng tốn khoảng 1,8 triệu đồng tiền mua nước sạch."
Giữa cao điểm khô hạn, hằng trăm người dân ở phố núi B’Lao (một tên gọi cũ của thành phố Bảo Lộc - Lâm Đồng) phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Trong khi đó, công trình cung cấp nước sạch dù được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng lại “án binh bất động.”
Hộ dân thiếu nước
B’Lao những ngày cuối xuân nắng oi ả. Dọc Quốc lộ 20, đoạn qua xã Đại Lào (Bảo Lộc) không hiếm cảnh xe ba gác chở bồn nước đi cung cấp cho các hộ dân dọc hai bên đường.
Vừa được “tiếp tế” xong ba "khối" (m3) nước sạch, chị Nguyễn Thị Luyến (thôn 3, xã Đại Lào) vội bật máy bơm nước từ bể chứa lên bồn chứa chính của gia đình để dành sử dụng cho sinh hoạt.
“Cứ tầm năm ngày gia đình tôi lại phải mua nước một lần, mất 300.000 đồng cho ba m3. Tính sơ bộ một tháng tốn khoảng 1,8 triệu đồng tiền mua nước sạch. Tình trạng này kéo dài từ trước Tết đến nay, khô hạn như thế này cũng không biết đến khi nào giếng mới có nước lại,” chị Luyến cho hay.
Cũng rơi vào tình trạng tương tự, hai mẹ con anh Dương Quốc Tùng (thôn 3, xã Đại Lào) phải mua nước sạch từ trước Tết tới nay. Dù sử dụng tiết kiệm, nhà chỉ có hai người nhưng cũng mất mấy triệu tiền mua nước sinh hoạt trong thời gian qua.
“Nhà tôi đã thử khoan giếng để lấy nước dùng nhưng mất gần 100 triệu rồi mà giếng khoan sâu cỡ nào cũng không có nước,” anh Tùng cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng thôn 3 (xã Đại Lào), trên địa bàn thôn có gần 400 hộ dân thì hơn 150 hộ đang bị thiếu nước sinh hoạt.
Đây hầu hết là các hộ sử dụng nước giếng đào, hiện đang cao điểm nên nguồn nước bị thiếu hụt, bà con phải đi xin hoặc mua nước nơi khác về dùng.
Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân xã Đại Lào, tính đến hết tháng 2/2024, toàn xã có hơn 300 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Trong đó, địa bàn các thôn 2, thôn 3 và thôn 5 chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Đặc biệt, đây là những thôn dọc theo Quốc lộ 20, chỉ cách trung tâm thành phố Bảo Lộc khoảng 5km.
Tương tự, ông Vũ Văn Vân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lộc Châu (Bảo Lộc) thông tin, toàn địa bàn xã hiện có trên 200 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Trong đó, hàng chục hộ dân phải mua nước từ nơi khác để phục vụ sinh hoạt hằng ngày.
Trước thực trạng này, địa phương đề xuất các đơn vị liên quan tạm thời đấu nối cấp nước cho người dân trên địa bàn xã sử dụng.
Tuy nhiên, việc cấp nước cũng chỉ mang tính ứng phó, nhỏ giọt, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân địa phương.
Công trình nước sạch “bất động”
Địa bàn xã Đại Lào và Lộc Châu (thành phố Bảo Lộc) đã được đầu tư, xây dựng công trình cấp nước sạch từ năm 2021. Thế nhưng dù đã được thi công đường ống dẫn, đồng hồ đến từng hộ dân nhưng đến nay công trình cấp nước sạch vẫn “án binh bất động.”
Dự án mở rộng đấu nối hệ thống cấp nước thành phố Bảo Lộc cấp cho xã Lộc Châu và Đại Lào thuộc Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vốn vay Ngân hàng Thế giới do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện.
Dự án có tổng kinh phí hơn 26 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới được triển khai xây dựng vào đầu năm 2021.
Theo kế hoạch, sau khi hoàn tất xây dựng vào năm 2022, Dự án sẽ tiến hành đấu nối nguồn nước từ Công ty Cổ phần Cấp thoát nước và Xây dựng Bảo Lộc để cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 2.000 hộ dân, với hơn 9.000 nhân khẩu thuộc hai xã Đại Lào, Lộc Châu.
Tuy nhiên đến nay, sau gần bốn năm triển khai, do nhiều vị trí, hạng mục công trình chưa đảm bảo cho việc cấp nước nên chưa được bàn giao nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Trước thực trạng trên, ngày 22/2, Ủy ban Nhân dân thành phố Bảo Lộc đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo chủ đầu tư, đơn vị thi công chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần Cấp Thoát nước và Xây dựng Bảo Lộc xử lý các khó khăn để sớm đưa dự án nêu trên vào sử dụng, kịp thời cung cấp nước cho người dân trên địa bàn./.