Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia: Hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ

Hiện nay, các nhóm giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông có tính chất chiến lược, lâu dài đã được xây dựng rất đầy đủ và toàn diện.

Hướng dẫn học sinh tiểu học đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài việc hoàn thiện các thể chế, chính sách, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng để đảm bảo an toàn giao thông, ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng trật tự an toàn giao thông của cộng đồng cần bắt đầu từ mỗi hành động nhỏ của từng cá nhân và được thúc đẩy bởi từng ý nghĩ.

Xây dựng giải pháp an toàn giao thông có tính chiến lược, lâu dài

- Đảm nhận nhiệm vụ trên cương vị mới, xin ông cho biết sẽ có những định hướng, chiến lược gì là chủ đạo để tham mưu các bộ, ban, ngành và Chính phủ kéo giảm các tiêu chí tai nạn giao thông?

Ông Lê Kim Thành: Trong thời gian gần đây, Ban bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới; Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết 48 về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025, Chỉ thị 10 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, Chỉ thị 31 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới... Nhờ đó, tình hình tai nạn giao thông trên cả nước được kiềm chế.

Khi nhìn vào các văn bản chỉ đạo trên có thể thấy có rất nhiều giải pháp cụ thể cho từng bộ ngành, địa phương, tuy nhiên có thể tóm lược các giải pháp này thành các nhóm sau: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hiện đại, an toàn, thông suốt, thân thiện nhằm đạt điều kiện an toàn cao cho tất cả các đối tượng tham gia giao thông; nâng cao an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện cơ giới tham gia giao thông; nâng cao nhận thức pháp luật, kỹ năng tham gia giao thông, xây dựng văn hoá giao thông an toàn cho người tham gia giao thông; xây dựng hệ thống cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế tai nạn giao thông đáp ứng kịp thời, hiệu quả từ Trung ương đến cấp xã.

Như vậy, có thể thấy các nhóm giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông có tính chất chiến lược, lâu dài đã được xây dựng rất đầy đủ và toàn diện. Vấn đề là cần tổ chức thực hiện thật tốt các nhóm giải pháp trên.

Bên cạnh đó, các ngành các cấp cần nhanh chóng hoàn thiện các hành lang pháp lý, cụ thể là Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Đây chính là những bước đột phá chiến lược về thể chế trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

- Đâu là những thuận lợi và khó khăn trong việc đảm bảo an toàn giao thông, thưa ông?

Ông Lê Kim Thành: Trong những năm qua, tai nạn giao thông liên tục được kéo giảm trên cả ba tiêu chí, số vụ, số người chết và số người bị thương. Có được kết quả trên là do cả hệ thống chính trị đã kiên trì thực hiện các giải pháp toàn diện, đặc biệt là việc liên tục hoàn thiện thể chế để tạo sự chuyển biến tổng thể và bền vững.

Ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Những bước đi trên cho thấy Việt Nam đã và đang có quyết tâm chính trị rất cao trong việc nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông, đây là những thuận lợi rất lớn trong hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Chính phủ đã thẳng thắn ghi nhận những tồn tại hạn chế trong hệ thống chính sách, pháp luật cũng như trong công tác quản lý Nhà nước về kết cấu hạ tầng, phương tiện, vận tải; trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cũng như trong tuyên truyền, phố biến, giáo dục quy định pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông thời gian tới.

Bốn yếu tố cấu thành văn hóa giao thông

- Là một cán bộ dày dạn kinh nghiệm của ngành giao thông vận tải, trải qua nhiều vị trí khác nhau. Vậy theo ông đâu là những yếu tố quan trọng để hình thành văn hóa giao thông?

Ông Lê Kim Thành: Bản thân các giải pháp trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ không thể giải quyết được toàn bộ các vấn đề nội tại của đường bộ. Chính bởi vậy, trong Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới đã xác định rất rõ tầm quan trọng của công tác quy hoạch và tái cơ cấu vận tải theo hướng giảm sự phụ thuộc vào đường bộ, nâng cao thị phần của các phương thức vận tải có độ an toàn cao hơn như đường sắt, hàng hải, thủy nội địa....

Trong các đô thị lớn, việc hoàn thiện các tuyến giao thông chính và mạng lưới đường sắt đô thị gắn với hiện đại hoá dịch vụ vận tải xe buýt, taxi, người dân sẽ có lựa chọn an toàn, thuận tiện để đi lại bằng phương tiện công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

Các đô thị lớn rất cần có các tuyến đường sắt đô thị nhằm giải quyết bài toàn ùn tắc giao thông và hạn chế xe cá nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đặc biệt là với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo vào công tác quản lý, điều hành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện vận tải cũng như giám sát, phát hiện xử lý vi phạm, giao thông chắc chắn sẽ an toàn, thông suốt hơn.

- Trong thời gian tới, cần phải có những biện pháp gì để nâng cao văn hóa của người tham gia giao thông, thưa ông?

Ông Lê Kim Thành: Trật tự an toàn giao thông của cộng đồng bắt đầu từ mỗi hành động nhỏ của từng cá nhân và được thúc đẩy bởi từng ý nghĩ. Tôi cho rằng vai trò nêu gương của bố mẹ, phụ huynh và người trưởng thành là vô cùng quan trọng.

Chúng ta đều biết văn hóa giao thông được xây dựng trên 4 yếu tố cốt lõi gồm: xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật, trong đó bao gồm cả quy định và hướng dẫn về hành vi và cách ứng xử với các tình huống mà người tham gia giao thông có thể gặp trong cuộc sống; tuyên truyền giáo dục về các quy định pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và môi trường tham gia giao thông để người dân có thể thực hiện được các quy định pháp luật một cách thuận tiện; kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm.

Có thể thấy 4 yếu tố trên hòa quyện và có quan hệ thống nhất chặt chẽ với nhau. Thiếu một trong bốn yếu tố trên thì không hình thành văn hóa giao thông.

Hiện nay, trong 4 nhóm giải pháp trên, chúng ta đều đang thực hiện đồng bộ, tuy nhiên có thể thấy môi trường tham gia giao thông còn có nhiều bất cập, như việc vỉa hè bị chiếm dụng, thiếu chỗ đỗ xe, mật độ dân cư quá cao... dẫn tới những khó khăn trong tuân thủ quy định. Vì vậy việc tạo ra môi trường dễ tuân thủ quy định cũng rất quan trọng và việc này phải bắt đầu từ quy hoạch.

Về mặt lâu dài, giải pháp bài bản phải rà soát và hợp lý hóa quy hoạch đồng thời phải có cơ chế giám sát quản lý để thực hiện tốt quy hoạch.

- Xin cảm ơn ông!