Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội kiến Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển
Phó Chủ tịch đề nghị Chính phủ Thụy Điển tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp Thụy Điển đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...
Tiếp tục chuyến thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển, ngày 12/11, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển Andreas Norlen tại Stockholm.
Cùng dự về phía Thụy Điển có Phó Chủ tịch Quốc hội Kerstin Lungren, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Aron Emilsson và các nghị sỹ đại diện 8 đảng trong Quốc hội Thụy Điển.
Chủ tịch Quốc hội Andreas Norlen nhiệt liệt chào mừng và đánh giá cao chuyến thăm Vương quốc Thuỵ Điển của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1969-2024); tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam những năm qua; khẳng định Thụy Điển sẵn sàng tăng cường hơn nữa hợp tác với Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Andreas Norlen đánh giá cao việc Quốc hội Việt Nam thành lập Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị với Thụy Điển; bày tỏ ủng hộ việc thúc đẩy các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng luật pháp và giám sát giữa hai cơ quan lập pháp.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân bày tỏ cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Hoàng gia, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Thụy Điển dành cho Việt Nam trong hơn 5 thập kỷ qua; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ nhiều mặt với Thụy Điển phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu của mỗi nước.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước đã thông báo về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng như những thành tựu về bảo đảm và thực thi quyền con người tại Việt Nam trong những năm qua với phương châm coi người dân là trung tâm và động lực của quá trình phát triển.
Phó Chủ tịch nước đề nghị hai bên phối hợp rà soát các thỏa thuận hợp tác song phương đã ký giữa hai nước để cập nhật, điều chỉnh phù hợp với bối cảnh mới; đề nghị phía Thụy Điển giúp thúc đẩy các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), vận động EU sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam; xem xét tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực cho du khách Việt Nam thăm Thụy Điển trong bối cảnh Việt Nam đã đơn phương miễn thị thực cho công dân Thụy Điển.
Phó Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội Thụy Điển khuyến khích các doanh nghiệp Thụy Điển sang đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh của Thụy Điển và phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu…
Hai bên nhất trí cho rằng hai nước cần khai thác tốt hơn nữa tiềm năng thế mạnh của hai bên, đẩy mạnh hợp tác hiệu quả, thực chất, cùng có lợi; nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa hai quốc hội trong tổng thể quan hệ song phương, nhất trí tăng cường trao đổi đoàn lãnh đạo quốc hội và các ủy ban chuyên trách của quốc hội hai bên.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai bên nhất trí tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương nhằm thúc đẩy giải quyết các xung đột, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; thúc đẩy thương mại tự do, phát triển bền vững và thịnh vượng toàn cầu.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trân trọng chuyển lời của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mời Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển thăm chính thức Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển bày tỏ cảm ơn và cho biết sẽ nghiên cứu thu xếp chuyến thăm.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã có cuộc gặp với các chuyên gia và bạn bè Thụy Điển có đóng góp tích cực cho Việt Nam và quan hệ hai nước.
Tại đây, Phó Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi trọng củng cố và mở rộng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp với Thụy Điển; chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quý báu và hiệu quả mà chính phủ và nhân dân Thụy Điển đã dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế ngày nay.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh Thụy Điển là nước Tây Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, là nước Tây Âu viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam sớm nhất, liên tục từ đầu thập niên 70 của thế kỷ 20 với tổng số tiền hơn 3 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục.
Phó Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ Thụy Điển tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp Thụy Điển đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, cơ sở hạ tầng, giúp Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với đổi mới sáng tạo.
Tại cuộc gặp cán bộ nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Điển, Phó Chủ tịch nước chúc cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Điển tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đoàn kết tương thân tương ái, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển và trở thành một cộng đồng giàu bản sắc, giàu truyền thống tốt đẹp, giữ gìn tiếng Việt, văn hóa Việt, ẩm thực Việt đồng thời lan tỏa, chia sẻ cùng bạn bè quốc tế.
Cộng đồng người Việt Nam ở Thụy Điển hiện có khoảng trên 22.000 người, luôn gắn bó, đoàn kết, chấp hành pháp luật và ngày càng hoà nhập vào xã hội sở tại; đồng thời luôn hướng về đóng góp xây dựng quê hương Việt Nam./.