Phó Chủ tịch Hà Nội chỉ ra nguyên nhân gây ùn tắc giao thông
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Hà Nội bị quá tải khi số lượng phương tiện giao thông đều tăng hàng năm đã dẫn đến ùn tắc giao thông.
Dù đã đưa nhiều dự án giao thông vào khai thác, ùn tắc giao thông tại Thủ đô Hà Nội vẫn là bài toán đau đầu với cơ quan quản lý Nhà nước.
Xe cá nhân gia tăng chóng mặt
Báo cáo tại hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải chiều ngày 13/1, theo ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố hiện có 35 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông.
Trong năm 2022, Hà Nội đã xử lý được 8/35 điểm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, đã xử lý được 20/26 điểm đen về tai nạn giao thông đảm bảo việc đi lại của nhân dân trong và ngoài thành phố.
Đặc biệt, nhiều công trình hạ tầng giao thông đã được đầu tư, hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng tại Hà Nội như tuyến đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long; đường Vành đai 2 trên cao, dưới thấp đoạn Ngã Tư Vọng-Ngã Tư Sở; đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm; hầm chui Lê Văn Lương, đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, ... góp phần ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ ra nguyên nhân ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội do quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khi số lượng phương tiện đều tăng hàng năm, mật độ phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường cao, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không theo kịp dẫn đến quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Mặt khác, các tuyến đường giao thông trục chính, các cầu lớn có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, các nút giao, trục đường có nhiều giao cắt với các ngõ, đường ngang gây xung đột giao thông dẫn đến chỉ cần xảy ra một sự cố va chạm giao thông, tai nạn giao thông cũng dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông; quá trình tổ chức thi công các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật trên đường giao thông gây thu hẹp mặt cắt các tuyến đường, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.
[Hà Nội giải quyết điểm nóng ùn tắc giao thông dịp Tết Nguyên đán 2023]
Ngoài ra, ông Tuấn đánh giá công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ theo quy hoạch, các tuyến đường vành đai chưa được đầu tư khép kín như Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 3,5, Quốc lộ 6, Quốc lộ 3 cũ, Quốc lộ 1 cũ, Quốc lộ 21B; thiếu các cầu qua sông Hồng (cầu Trần Hưng Đạo, Tứ Liên,...) để tăng tính kết nối Bắc-Nam.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải của Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để đảm bảo giao thông, tỷ lệ diện tích đất cho giao thông phải đạt từ 20%-26%; diện tích đất cho giao thông tĩnh đạt 3-4%, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng phải đạt được từ 50-55%.
Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho hay, hiện nay, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được khoảng 10,07%; diện tích đất cho giao thông tĩnh mới được dưới 1%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt được khoảng 17,8%. Trong khi đó, hàng năm các phương tiện giao thông gia tăng từ 4-5%/năm.
Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao, chưa có thói quen tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ cũng là nguyên nhân dẫn tới ùn tắc giao thông.
Đồng bộ giải pháp để giải bài toán ùn tắc giao thông
Để giải quyết ùn tắc giao thông, thành phố Hà Nội đang tập trung triển khai 6 nhóm giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai, ưu tiên triển khai Vành đai 4; các tuyến trục chính hướng tâm như Quốc lộ 1, Quốc lộ 6; các tuyến đường có tính kết nối như Nguyễn Tam Trinh; Lĩnh Nam, các cầu qua sông để tăng tính kết nối giao thông giữa các khu vực, đây là giải pháp cơ bản có tính bền vững và lâu dài.
Thành phố cũng tăng cường công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý phát huy tối đa năng lực hệ thống giao thông hiện có; phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng, trong đó tập trung triển khai và sớm đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn-ga Hà Nội, tiếp tục đầu tư các tuyến đường sắt đô thị khách theo quy hoạch; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông; nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý điều hành giao thông và xử lý vi phạm giao thông.
[Hà Nội phấn đấu vận tải công cộng đáp ứng 30-35% nhu cầu vào 2025]
Ngoài việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông, với các điểm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, Hà Nội đã tổ chức rà soát các vị trí giao cắt gây xung đột giao thông để bố trí các lực lượng chốt trực hướng dẫn giao thông nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông; nghiên cứu tổ chức giao thông hợp lý hạn chế xung đột ở các nút giao.
Thành phố cũng chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải thường xuyên phối hợp với công an, các chủ đầu tư, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện thực hiện tổ chức phân luồng giao thông hợp lý nhất để phục vụ thi công các dự án; trong quá trình thi công thường xuyên phối hợp với các chủ đầu tư theo dõi, rà soát và điều chỉnh tổ chức giao thông theo tiến độ của dự án phù hợp với tình hình giao thông thực tế để giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông,…/.