Phổ cập mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi: Cơ hội phát triển toàn diện
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh nếu ví giáo dục như một ngôi nhà thì bậc mầm non chính là nền móng nên cần tập trung ưu tiên cho việc xây dựng nền móng thật vững chắc.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh nếu ví giáo dục như một ngôi nhà thì bậc mầm non chính là nền móng. Vì vậy, cần tập trung ưu tiên cho việc xây dựng nền móng thật vững chắc.
Ngày 9/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo tham vấn thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo, với sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng đại diện các cơ sở giáo dục mầm non.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi cho biết nhiệm vụ phổ cập giáo giáo dục mầm non cho trẻ 3 đến 5 tuổi được nêu rõ ở Nghị quyết số 42-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và gần nhất là Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị. Điều đó khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm đến việc thực hiện nhiệm vụ này.
Hiện, bậc học mầm non đã hoàn thành phổ cập cho trẻ 5 tuổi từ năm 2010, mang lại những thay đổi, phát triển cho bậc học này về quản lý, chỉ đạo, mạng lưới và quy mô. Tuy nhiên, giáo dục mầm non vẫn cần được quan tâm hơn nữa để đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi thực tế và quan trọng hơn là phát triển thế hệ măng non của đất nước.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh nếu ví giáo dục như một ngôi nhà thì bậc mầm non chính là nền móng. Vì vậy, cần tập trung ưu tiên cho việc xây dựng nền móng thật vững chắc.
Thứ trưởng cũng cho biết việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi, mặc dù đã có sự chuẩn bị tích cực song quan trọng nhất là phải tham mưu, xây dựng Nghị quyết như thế nào để khi đi vào thực tế triển khai, các địa phương có thể tham mưu, ban hành nhiều chính sách, đưa ra các giải pháp, tạo nguồn lực đổi mới giáo dục mầm non.
Thứ trưởng yêu cầu Ban soạn thảo ghi nhận, tổng hợp các ý kiến và tiếp thu, điều chỉnh phù hợp nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Chính phủ trong thời gian sắp tới.
Chia sẻ tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ cho rằng con người và cơ sở vật chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình triển khai tại các địa phương. Do đó, cần tập trung nguồn lực, đảm bảo các yếu tố để khi ban hành, chính sách được thực hiện thành công, hiệu quả.
Tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được trình để Quốc hội thảo luận cho ý kiến lần đầu; dự kiến sẽ thông qua vào cuối năm 2025. Từ đó, nhiều chính sách về giáo viên mầm non cũng được điều chỉnh tích cực.
Báo cáo đánh giá tác động của chính sách xây dựng Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết hằng năm, có trên 5,1 triệu trẻ mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại 15.256 trường mầm non và 17.444 cơ sở giáo dục mầm non độc lập; tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ đạt 34,6%, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo đạt 93,6%.
Giáo dục mầm non đã từng bước vượt qua khó khăn, phát triển khá toàn diện về quy mô, mạng lưới trường lớp, các điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ; chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng lên. Trẻ em vùng miền núi, dân tộc thiểu số được chuẩn bị về tiếng Việt và được hỗ trợ ăn trưa nên tỷ lệ ra lớp cao hơn, bảo đảm chuyên cần. Trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đã được chuẩn bị tốt các điều kiện sẵn sàng vào học lớp một; việc thực hiện công bằng trong giáo dục từng bước được bảo đảm.
Đặc biệt, việc thực hiện thành công các mục tiêu cơ bản của Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đã góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ em được tới trường/lớp; thu hút được một nguồn lực lớn để đầu tư cơ sở vật chất theo yêu cầu kiên cố hóa, chuẩn hóa phục vụ công tác chăm sóc và giáo dục trẻ ở các địa phương.
Kết quả thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi có tác dụng tốt đối với sự phát triển của trẻ 5 tuổi; đồng thời tạo sự an tâm, tin tưởng của cha mẹ trẻ và cộng đồng đối với giáo dục mầm non. Tuy nhiên, giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn. Một số lượng khá lớn trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 4 tuổi chưa được tiếp cận với giáo dục mầm non, tạo sự mất công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Hiện nay, có gần 300.000 trẻ em mẫu giáo chưa được đến trường, tập trung tại những nơi đặc biệt khó khăn, vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, các điều kiện đảm bảo chất lượng, công tác xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình trường mầm non còn hạn chế dẫn tới gánh nặng vẫn đặt lên các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi nhằm đảm bảo việc triển khai chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội, chỉ đạo của Chính phủ về phổ cập giáo dục mẫu giáo trên phạm vi cả nước; xây dựng hành lang pháp lý để huy động nguồn lực đầu tư đảm bảo các điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo.
Bên cạnh đó, đảm bảo trẻ em mẫu giáo được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng; chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để vào lớp một, góp phần vào thực hiện quyền của trẻ em.
Góp ý tại hội thảo, Phó trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học-Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk Võ Thị Phượng cho rằng cần có những cơ chế đặc thù cho vùng khó vì chỉ tiêu huy động trẻ ra lớp ở những địa phương này rất khó khăn. Ngoài ra, cần có những chính sách thu hút, tuyển dụng giáo viên mầm non nhằm tạo sự thay đổi cho giáo dục mầm non ở những địa phương khó khăn.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang Nguyễn Văn Thêm đề xuất Ban soạn thảo cần quy định rõ hơn về các tiêu chuẩn, mức độ đạt chuẩn và có sự thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản; thêm đối tượng trẻ mầm non được thụ hưởng các chính sách là con công nhân tại các khu công nghiệp./.