Phổ biến phim online: Cần kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm

Phương án hậu kiểm thay cho tiền kiểm dường như đang mở ra tương lai tươi sáng với các nhà làm phim. Song để hậu kiểm có thể trở thành cản trở nếu không có quy định đủ rõ ràng.

'Ròm' từng chịu nhiều lần chỉnh sửa trước khi được ra rạp. (Ảnh: HK Film)

Nội dung dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây đã làm dấy lên tranh luận trong giới làm phim cũng như phát hành phim.

Một trong những nội dung được nói tới nhiều nhất là phương án phổ biến phim trên không gian mạng.

Hai phương án được đặt lên bàn cân

Đại dịch COVID-19 đã khiến ngành công nghiệp điện ảnh thay đổi mạnh mẽ. Ngày càng có nhiều bộ phim được phát hành song song giữa giữa rạp chiếu và nền tảng kỹ thuật số như Galaxy Play, FPT Play hay Netflix... (gọi chung là các ứng dụng truyền hình trực tuyến OTT hoặc kho phim trực tuyến VOD). Thậm chí, nhiều bộ phim bom tấn không ra rạp mà được phát thẳng lên các ứng dụng xem phim trực tuyến hoặc được sản xuất độc quyền cho các OTT, VOD này.

[Sửa đổi Luật Điện ảnh: Cần làm rõ quy định để tiền kiểm và hậu kiểm]

Điều đó đã đặt ra những yêu cầu mới đối với các cơ quan quản lý, cụ thể là đề ra cơ chế kiểm duyệt sao cho sát với thực tiễn. Trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) có đưa ra hai phương án.

Phương án 1, cho phép các nhà phát hành "tự kiểm" và chịu trách nhiệm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ kiểm tra theo kiểu hậu kiểm.

Phương án 2, dự thảo luật quy định chỉ được phổ biến phim khi có giấy phép phân loại phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cấp hoặc quyết định phân loại của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình được phép phổ biến trên không gian mạng.

Tại diễn đàn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số các ý kiến đều cho rằng nên kết hợp cả hai phương án.

Đối với giới sáng tạo, dù chủ yếu chọn phương án hậu kiểm song vẫn mang theo nhiều băn khoăn, bởi khi Luật được áp dụng trong thực tế bao giờ cũng nảy sinh những vấn đề mới.

Cần quy định phân loại rõ ràng

Hiện nay, dự thảo 7 Luật Điện ảnh (sửa đổi) đặt ra 5 mốc phân loại độ tuổi. Trong đó, T18, T16, T13 lần lượt tương ứng phim chỉ dành cho khán giả đủ 18, 16 và 13 tuổi trở lên. Loại K được bổ sung để mở rộng tới khán giả dưới 13 tuổi có sự đồng hành của cha mẹ hoặc người giám hộ, loại P hướng đến cho mọi khán giả còn loại C dành cho phim cấm chiếu.

Được tự chủ duyệt phim và phân loại độ tuổi là phương án lý tưởng đối với nhiều nhà làm phim cũng như các ứng dụng chiếu phim trực tuyến.

Trước đây vào năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng có Thông tư 12/2015/TT-BVHTTDL (có hiệu lực từ 2016) quy định về nội dung cấm, giới hạn của từng hạng mục bạo lực, khỏa thân, nói tục... mà mỗi độ tuổi quy định. Tuy nhiên, các nhà làm phim đều cho rằng các quy định này chưa đủ cụ thể.

Một phần Thông tư quy định nội dung cho các độ tuổi. (Ảnh chụp màn hình tài liệu)

“Ba-rem của Cục Điện ảnh rất chung chung,” nhà sản xuất, đạo diễn Kay Nguyễn nhận xét. “Chỉ sau khi gửi phim đi duyệt, chúng tôi mới có những nhận xét rõ ràng về nội dung cần sửa. Từ đó chúng tôi phải chỉnh theo để phim được ra mắt.”

Giới làm phim cho rằng thiếu quy định rõ ràng cũng là lý do khiến hiện tượng tự kiểm duyệt, tức là tự cắt xén ý tưởng của chính mình, chọn đi theo hướng an toàn để tránh nội dung phim bị can thiệp. Trong trường hợp đã phổ biến phim mà cần được hậu kiểm, nhiều khả năng phim sẽ bị rút xuống để xử lý, thậm chí không được chiếu...

“Hậu kiểm trong tình trạng này khéo còn gây nhiều khó khăn hơn tiền kiểm,” Kay Nguyễn nhận xét. “Cá nhân tôi hoàn toàn đồng ý rằng phải có những nội dung cấm nhưng mong có quy định rõ ràng để biết mình sai ở đâu cũng như đúng ở đâu, tránh tình trạng làm xong lại phải rút xuống để sửa, rất mất thời gian và công sức.”

Nhà sản xuất Hằng Trịnh cũng đồng tình với phương án hậu kiểm phim chiếu mạng nhưng phải có quy định thống nhất.: “Có một bộ quy định rõ ràng sẽ là bước lọc đầu vào cho nhà làm phim, cho họ tự kiểm duyệt một cách có cơ sở. Quy định cũng sẽ giúp thống nhất quan điểm phân loại phim giữa người làm phim – đơn vị chiếu phim online – nhà quản lý.”

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng cần giao quyền cho cá nhân, tổ chức bởi không thể tiền kiểm số lượng lớn như vậy. Song, điều cần làm trước tiên là làm rõ định nghĩa cho phim chiếu miễn phí trên YouTube với phim chiếu tại các kho phim trực tuyến như VOD, OTT. Tiếp theo là cần có chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm thật thích đáng.

'Tháng Năm rực rỡ' của Nguyễn Quang Dũng khi ra rạp được dán nhãn C16, chiếu ở Netflix chỉ là mốc C13. (Ảnh: CGV)

Ở góc độ một nhà làm phim kiêm thành viên Hội đồng Trung ương Thẩm định và phân loại phim truyện, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng cần để nhà sản xuất nội dung tự phân loại và tự chịu trách nhiệm dựa trên hướng dẫn chi tiết và minh bạch từ luật. Trong trường hợp các nhà sản xuất nội dung không dám chắc vào khả năng tự thẩm định của bản thân thì có thể chủ động nộp đơn xin hỗ trợ, tư vấn từ hội đồng phân loại phim quốc gia.

Nhiều nhà làm phim còn có chung một nỗi niềm khác từ xưa tới nay: Phim bị đã được dán nhãn độ tuổi phù hợp mà vẫn bị cắt phim, vì vậy có được một bộ quy định rõ ràng là rất cần thiết.

Chờ đợi các thông tư, hướng dẫn cụ thể

Giáo sư Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Trung ương Thẩm định và phân loại phim truyện, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sân khấu – Điện ảnh (Hà Nội) đánh giá phương án 1 là rất tích cực, vừa phù hợp với thông lệ và xu hướng chung của quốc tế, vừa không buông lỏng công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra.

Liên quan đến các dán nhãn phân loại độ tuổi, ông nhận xét Việt Nam đã “tiếp thu được kinh nghiệm trong phân loại độ tuổi tạo điều kiện sáng tạo ở nhiều lứa tuổi, tâm sinh lý khác nhau song vẫn bảo vệ được khán giả khỏi các tác động tiêu cực.”

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cũng khẳng định: “Tiền kiểm hay hậu kiểm thì sẽ đều có các tiêu chí chung được đưa ra. Khi Luật Điện ảnh được chính thức ban hành thì sẽ cố gắng đưa ra thông tư, hướng dẫn cụ thể hơn,” ông Thành cho biết.

Sẽ có bộ tiêu chí chung để vừa hậu kiểm, vừa tiển kiểm. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Về cấu tạo hội đồng thẩm định, ông Thành cho biết hiện nay vẫn còn đang tranh luận rất nhiều. Có đại biểu Quốc hội còn đang đề nghị là mở rộng các thành phần xã hội tham gia hội đồng như công an, quân đội, lực lượng bảo vệ hải đảo...

“Chuyện đề xuất mở rộng thành phần tham gia trên lý thuyết là vậy, nhưng khó thực hiện vì như vậy hội đồng sẽ quá đông,” Cục trưởng nhận xét. “Một tác phẩm nghệ thuật phải trên cơ sở được phản ánh bởi người có chuyên môn điện ảnh. Người nghệ sỹ điện ảnh trong hội đồng phải làm được hai vai – vừa nắm được luật phát, hiểu biết xã hội chung, nhưng cùng phải dùng lăng kính của người sáng tạo nghệ thuật điện ảnh thì đánh giá tác phẩm.”

Hiện nay dự thảo đã đưa ra phương án 2/3 số thành viên hội đồng là các chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh, 1/3 là các nhà quản lý. Tuy nhiên họ phải chịu ràng buộc là nếu đã tham gia hội đồng duyệt phim thì người đó sẽ phải gắn chặt với công việc ở hội đồng duyệt và ở Cục hoặc Sở Văn hóa các tỉnh. Giữ chân các chuyên gia là một trong số những khó khăn của hội đồng duyệt mà Cục từng chia sẻ với báo giới./.

Minh Anh (Vietnam+)