Phim Dust and Metal: ‘Ký ức’ của người ngoại quốc về xe máy ở Việt Nam

Từ góc nhìn của một người ngoài, đạo diễn Esther Johnson khơi mở cảm xúc vừa quen, vừa lạ với chính người Việt về một Việt Nam sinh động bằng hành trình trên phương tiện đã quá đỗi quen thuộc này.

Đi bộ thì quá chậm. Đi ôtô thì quá nhanh, quá gò bó. Chỉ có nhịp điệu của xe máy và xe đạp mới cho ta cảm giác mơ màng, tự do. Đó là lời dẫn dắt khán giả vào bộ phim Dust and Metal của đạo diễn Esther Johnson.

Qua những thước phim xưa cũ, nhà làm phim độc lập người Anh trình bày cho khán giả về cuộc khám phá của mình với Việt Nam. Bộ phim như hòa ra thành một dòng ký ức chung mà một người dẫu chưa từng trải qua vẫn có thể cảm thấy thân quen và gần gũi đến bất ngờ.

Một cảm quan về Việt Nam trên chiếc xe hai bánh

“Dust and Metal” (Cát bụi và Kim loại) là một tựa tác phẩm điện ảnh tài liệu của nhà làm phim độc lập Esther Johnson. Phim do tổ chức Live Cinema UK sản xuất, Hội đồng Anh tài trợ cùng sự hỗ trợ của nhiều đơn vị tại Việt Nam.

Xem “Cát bụi và Kim loại,” người xem được dẫn dắt từ không gian làng quê đến thành thị, ở khắp ba miền Bắc Trung Nam, từ quá khứ tới hiện tại. Điều đáng chú ý là đạo diễn sử dụng các tư liệu có sẵn, kết hợp với một lượng nhỏ tự quay.

[Phim tài liệu Việt thắng đối thủ điện ảnh quốc tế tại DANAFF lần 1]

Ở đó không chỉ có cảnh quan của thiên nhiên, kiến trúc mà còn là đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân, có cả những thước phim ghi lại những hiện tượng lạ lẫm mà người ta ít thấy ở hiện tại. Tại mỗi nơi mà phim chu du tới, bước trở mình, công nghiệp hóa của Việt Nam cũng hiện ra qua những cuộc hội thoại, hình ảnh những chiếc xe máy, của cát bụi và kim loại tăng lên.

“Đây là một hành trình luôn chuyển động và đầy sức sống. Với tôi sự quan trọng của chiếc xe hai bánh trong lịch sử Việt Nam là câu chuyện ít ai biết và để ý. Vì vậy tôi muốn khám phá nó,” Esther chia sẻ.

Đạo diễn Esther Johnson (trái) trong buổi công bố phim tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Tại Việt Nam, xe máy là phương tiện phổ biến nhất. Theo số liệu của Statista.com tính đến 2020, có 65 triệu chiếc xe được đăng ký, bằng xấp xỉ ⅔ dân số trên cả nước. Với sự phổ biến ấy, chiếc xe máy dường như đã trở nên quá quen thuộc và kém nổi bật. Thế nhưng đạo diễn Esther Johnson đã chọn xe máy làm phương thức dẫn chuyện cho hành trình khám phá Việt Nam của mình.

Đến với buổi chiếu phim tại Hà Nội tháng 10/2023, khán giả Đỗ Phương chia sẻ bản thân thích nhất lời bình “Đi xe máy, ta sống ở hiện tại. Không tương lai, không quá khứ.”

“Chúng ta vô tình quên mất điều này vì bị cuốn theo nhịp sống bận rộn hàng ngày. Cảm giác tự do, được là chính mình trở lại khi chúng ta đi những chuyến phượt dài, thoát ra khỏi tâm trí bộn bề và mối lo cơm áo gạo tiền tầm thường,” chị nhận xét.

"Cát bụi và Kim loại" không có cao trào như một phim truyện. Thế nhưng không vì thế mà nó khô khan, không có sự trầm bổng về cảm xúc. Một yếu tố quan trọng giúp ích cho việc này là âm nhạc của Nguyễn Xinh Xô.

Nhạc sỹ Nguyễn Xinh Xô (góc phải) biểu diễn âm nhạc trực tiếp cho bộ phim tại buổi chiếu ở Hà Nội ngày 17/10. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Thông thường khi làm nhạc phim truyện, nhạc sỹ sẽ đọc kịch bản mà sáng tác dựa trên các chi tiết, các cảnh hay từng phân đoạn. Song “Cát bụi và Kim loại” gây khó vì không có kịch bản mà chỉ có một đoạn văn mô tả chung. Chưa kể khối lượng tư liệu đặc biệt lớn khiến nhạc sỹ “phát choáng”

Chọn cách tiếp cận khác, Xinh Xô tưởng tượng ra bộ phim và sáng tác những hợp âm rải, đi vòng tròn và có sự lặp lại ngầm. Với những âm thanh minh họa của xe cộ, âm nhạc phim được anh coi như bản giao hưởng, gửi gắm nhiều ẩn dụ cho người xem được gợi và cảm nhận bộ phim.

Ngôn ngữ của điện ảnh tái chế

Có một thể loại riêng để gọi tên một phim tài liệu như “Cát bụi và Kim loại”: Điện ảnh tái chế. Đúng như tên gọi, bộ phim dùng lại hàng trăm thước phim khác nhau để tạo ra một cảm thức mới và riêng tư. Trong phim, những thước phim gần nhất được quay năm 2020, xa nhất là từ thập niên 50.

Đáng chú ý là “Cát bụi và Kim loại” còn mang đến những hình ảnh quen thuộc trong “Em bé Hà Nội,” “Bao giờ cho đến tháng 10,” “Chị Tư Hậu”... những phim tài liệu như “Chuyện tử tế,” “Sài Gòn năm 1975” (phim tài liệu)... và những khung hình hoạt họa của Xưởng phim hoạt hình nhà nước xưa và những tư liệu ít thấy khác.

Một trích đoạn ''Chị Tư Hậu'' trong ''Cát bụi và Kim loại.'' (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Mỗi thước phim này như sự hiện diện của một thế hệ vàng son của những nhà làm phim Trần Vũ, Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, đạo diễn phim hoạt hình Ngô Mạnh Lân, đạo diễn phim tài liệu Trần Văn Thủy, nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy… và rất nhiều cái tên khác. Họ là những cánh chim đầu đàn đã đặt những viên gạch nền tảng vững chãi hoặc trở thành tượng đài trong thể loại của mình trong nền điện ảnh Việ tNam.

Esther Johnson từng có 4 tiếng trao đổi rất sâu với đạo diễn Trần Văn Thủy trong quá trình làm phim đồng thời tái chế bộ phim "Chuyện tử tế" của ông. Xem “Cát bụi và Kim loại,” nhà làm phim kỳ cựu tỏ thái độ thích thú và ghi nhận nỗ lực của Esther bởi theo ông, để làm ra bộ phim dài hơn 80 phút này, khối lượng tư liệu mà Esther phải xem để gạn lọc có thể lớn gấp hàng trăm lần.

[Số hóa lưu trữ phim: Dai dẳng, khó nhằn như cuộc chạy bất tận]

Nữ đạo diễn người Anh dành một cảm tình lớn cho điện ảnh lưu trữ, bởi qua đó cô được đặt mình trong góc nhìn và tình cảm của người khác - những người thuộc về một thời kỳ khác, bối cảnh khác. Ngoài video, trước đây, cô từng xử lý nhiều loại tư liệu lưu trữ khác như âm thanh, hình ảnh, lịch sử truyền miệng, nhật ký.

Nhờ vậy mà trong quá trình xử lý khối lượng tư liệu video khổng lồ, Esther tuy vất vả nhưng chưa bao giờ nản lòng. Bên cạnh Nghệ sỹ Nhân dân Trần Văn Thủy, cô được những người đồng nghiệp, nhà nghiên cứu, nhà làm phim tại Việt Nam hỗ trợ nhiệt tình trong việc xử lý tư liệu cũng như viết lời bình phim.

Đạo diễn Trần Văn Thủy chúc mừng Esther Johnson trong buổi công chiếu phim ở Hà Nội. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Phía Nhà nước cũng có sự hỗ trợ đầy thiết thực. Theo ông Nguyễn Hoàng Phương - người điều hành Trung tâm hỗ trợ và phát triển điện ảnh TPD (một đơn vị hỗ trợ cho "Cát bụi và Kim loại" tại Việt Nam), Viện Phim và Cục Điện ảnh tạo điều kiện cho cô tiếp cận và sử dụng kho phim lưu trữ. Esther Johnson cũng tiết lộ rằng một số thước phim còn chưa từng được số hóa trước đây.

“Lần đầu tiên có một phim tài liệu của hãng phim nước ngoài mà có sự tham gia của đơn vị nhà nước như Viện phim Việt Nam, Cục Điện ảnh. Đây là một bước ngoặt, dù không đặc biệt to lớn, nhưng vẫn là lần đầu của điện ảnh Việt Nam, mở ra một sự hợp tác mạnh mẽ, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19,” ông Hoàng Phương nhận xét.

Tính đến thời điểm hiện tại, "Cát bụi và Kim loại" đã đến với khán giả Việt qua các buổi chiếu trên quy mô nhỏ lẻ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 10/2023) và Đà Nẵng (tháng 5/2023). Lịch chiếu trong tương lai (nếu có) sẽ được cập nhật trên trang Facebook của phim.

Trailer phim "Cát bụi và Kim loại":

Minh Anh (Vietnam+)