Philippines sắp nhập khẩu tiếp 150.000 liều vaccine tả lợn châu Phi của Việt Nam
Tổng giám đốc Công ty cổ phần AVAC Việt Nam cho biết AVAC đã đưa ra thị trường trong nước khoảng 2,3 triệu liều, xuất khẩu 305.000 liều; trong đó Philippines là 300.000 liều, Nigeria là 5.000 liều.
Ngày 26/8, Đoàn doanh nghiệp nhập khẩu vaccine dịch tả lợn châu Phi của Philippines đã sang Việt Nam làm việc và kiểm tra nhà máy sản xuất vaccine của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam.
Việc này để chuẩn bị cho ngày 29/8, lô 150.000 liều vaccine trong tổng số 600.000 liều Chính phủ Philippines cam kết mua sẽ được xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần AVAC Việt Nam (AVAC) cho biết: AVAC đã đưa ra thị trường trong nước khoảng 2,3 triệu liều, xuất khẩu 305.000 liều; trong đó Philippines là 300.000 liều, Nigeria là 5.000 liều.
Công ty đang đăng ký lưu hành tại một số nước Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Nepal, Myanmar, Nigieria...
Riêng Philippines đã nhập khẩu 300.000 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi của AVAC (tháng 7/2023). Philippines đã tổ chức đánh giá vaccine thành 3 pha trên 30 trại quy mô lớn với 150.000 lợn.
Tất cả đàn lợn được tiêm đều an toàn và bảo hộ đến xuất bán. Với kết quả này, tháng 7/2024, Philippines đã chấp nhận vaccine AVAC ASF LIVE của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam được lưu hành tại nước này.
Ông Nguyễn Văn Điệp cho biết, ngày 29/8, công ty sẽ xuất khẩu 150.000 liều trong tổng số 600.000 liều Chính phủ Philippines đặt mua. Việc xuất khẩu sẽ theo từng giai đoạn để nhập đủ 600.000 liều.
Đánh giá về vaccine dịch tả lợn châu Phi sau khi nhập khẩu để tiêm kiểm nghiệm, bà Pinky Pe Tobiano, Giám đốc điều hành Công ty KPP Powers Commodities Inc (doanh nghiệp nhập khẩu vaccine) cho biết, vaccine của AVAC có hiệu lực, an toàn cao.
Tất cả đều đạt và phù hợp với yêu cầu của Philippines. Cơ quan có thẩm quyền của Philippines đã công bố kết quả đánh giá vaccine an toàn, lợn được tiêm đáp ứng miễn dịch và không có bất kỳ tác dụng phụ trên đàn vật nuôi.
Để vaccine của AVAC phủ rộng hơn tại Philippines trong thời gian tới, dưới vai trò là nhà nhập khẩu, bà Pinky Pe Tobiano cho biết, vấn nạn nhập lậu, hàng giả, hàng nhái trên thị trường có thể ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng của vaccine.
Đó chính là lý do đoàn công tác đến Việt Nam để giám sát, đảm bảo tính hợp pháp, chống hàng lậu thông qua việc thiết kế bao bì, mã tem, mã vạch riêng...
Đồng thời cũng như đưa ra các giải pháp để phân biệt giữa hàng Chính phủ mua và hàng nhập lậu.
Về cơ hội xuất khẩu vaccine dịch tả lợn châu Phi, ông Nguyễn Văn Điệp cho biết, dự kiến tháng 5/2025, Tổ chức Thú y Thế giới mới đưa ra tiêu chuẩn cho vaccine dịch tả lợn châu Phi.
Các nước hiện đều chờ tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới để xây dựng tiêu chuẩn cho nước mình, nên điều này tác động rất lớn đến xuất khẩu vaccine dịch tả lợn châu Phi.
Về thị trường trong nước, ông Nguyễn Văn Điệp cho biết, nhiều doanh nghiệp lớn đã sử dụng vaccine của AVAC như Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam với hơn 1 triệu liều.
Ngoài ra, còn có một số đơn vị đang thử nghiệm như là CJ Vina Agri và Japfa Comfeed Việt Nam. Những công ty vừa và nhỏ thì mua qua đơn vị phân phối.
Từ tháng 7/2023, AVAC đã cung ứng trên 250.000 liều cho các chi cục và các Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện trên toàn quốc. Nhiều tỉnh thành đã sử dụng số lượng lớn như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Lai Châu…
Tất cả đối tượng lợn sau khi được tiêm vaccine, đều được giám sát rất chặt chẽ và lấy mẫu kiểm tra sau 28 ngày tiêm. Tất cả lợn tiêm vaccine đều khỏe mạnh, chưa có cơ sở nào bị bùng phát dịch; cơ sở/vùng tiêm phòng được bảo hộ cao.
Đó là lý do gần đây, các tỉnh mạnh dạn dùng ngân sách địa phương hoặc nguồn lực xã hội hoá để đưa vaccine của AVAC vào trong phòng chống dịch bệnh.
AVAC cũng đang hỗ trợ nhiều tỉnh như Lạng Sơn, Hải Dương… để người chăn nuôi tự tin sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi. Các đàn vật nuôi được tiêm đều chứng tỏ sự bảo hộ tốt của vaccine.
Theo ông Nguyễn Văn Điệp, người chăn nuôi nên không nên chỉ dựa vào vaccine trong bảo vệ vật nuôi trước dịch bệnh. Bởi, không phải cứ tiêm vaccine là tất cả đều an toàn với dịch bệnh, không phải tất cả các cá thể tiêm vaccine đều được bảo hộ hiệu quả.
Vaccine chỉ là một trong những “áo giáp” bảo vệ vật nuôi hiệu quả, người chăn nuôi vẫn phải chăn nuôi an toàn sinh học./.