Philippines nêu tầm nhìn về an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Bài phát biểu của Tổng thống Marcos Jr. tại Đối thoại Shangri-La bao trùm nhiều vấn đề, nêu bật những thách thức đối với an ninh của ASEAN, khu vực và thế giới nhìn từ quan điểm của Philippines.
Tối 31/5, Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. đã trở thành nguyên thủ quốc gia Philippines đầu tiên phát biểu khai mạc tại Đối thoại Shangri-La, một hội nghị thượng đỉnh quốc phòng hàng đầu châu Á.
Ông Marcos Jr. cũng tham gia phiên hỏi đáp ngay sau bài phát biểu.
Bài phát biểu của Tổng thống Marcos Jr. bao trùm nhiều vấn đề, nêu bật những thách thức đối với an ninh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), khu vực và thế giới nhìn từ quan điểm của Philippines.
Ông Marcos Jr. nêu lập trường của Chính phủ Philippines về việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực, trong đó có việc tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, coi đây là vấn đề không thể tách rời trong lĩnh vực quốc tế.
Ông nhấn mạnh lợi ích chung của các quốc gia tuân thủ luật pháp và hướng tới hòa bình là tiếp tục đối thoại với sự tôn trọng lẫn nhau và cởi mở để tìm ra cách tốt nhất nhằm duy trì một trật tự an toàn, an ninh và thịnh vượng dựa trên luật lệ.
Ông Marcos Jr. nhấn mạnh vai trò của Mỹ là "rất quan trọng đối với hòa bình khu vực" ở Đông Nam Á, khi Philippines phải đối mặt áp lực ngày càng tăng của Trung Quốc tại vùng biển ngoài khơi bờ biển đất nước. Ông cũng khẳng định không nhượng bộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Các diễn giả chính trước đây tại Đối thoại Shangri-La bao gồm Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Anthony Albanese.
Theo Tiến sỹ Bastian Giegerich - Tổng giám đốc kiêm Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), Tổng thống Marcos Jr. được ghi nhận vì đã nâng cao những đóng góp của Philippines cho sự ổn định và an ninh khu vực, và những nỗ lực của ông Marcos Jr. đã "mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược của Philippines trên khắp châu Á-Thái Bình Dương và xa hơn nữa trong thời điểm bất ổn địa chính trị"./.