Philippines: Giải quyết vấn đề Biển Đông phải dựa trên luật pháp

Theo Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo, những yêu sách chủ quyền mâu thuẫn chỉ có thể được giải quyết một cách hòa bình thông qua biện pháp bám sát cách tiếp cận hòa bình và dựa trên luật pháp.

Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo. (Nguồn: Philstar)

Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo đã tái khẳng định quyết tâm của Philippines giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình và hợp pháp.

Ông nhấn mạnh: “Những yêu sách (chủ quyền) mâu thuẫn chỉ có thể được giải quyết một cách hòa bình thông qua biện pháp bám sát cách tiếp cận hòa bình và dựa trên luật pháp."

Quan điểm trên được nhà ngoại giao Philippines nêu bật trong các cuộc tiếp xúc và hội thảo trong khuôn khổ Hội nghị An ninh Munich lần thứ 59 tại Đức.

Theo Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo, cách tiếp cận trên của Philippines được chính thức hóa trong Tuyên bố Manila năm 1982 về giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Philippines cho rằng tình trạng căng thẳng xuất phát từ những sự cố và hành động gây hấn không phù hợp với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, đồng thời gây bất lợi cho mục tiêu thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.

[Học giả Nga đề cao giá trị chiến lược của UNCLOS về vấn đề Biển Đông]

Ông Manalo kêu gọi các bên bảo vệ và tăng cường trật tự dựa trên luật pháp cũng như chủ nghĩa đa phương, trong bối cảnh khó khăn do quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19, xung đột Nga-Ukraine và leo thang cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung.

Theo ông Manalo, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có thể khởi xướng một cuộc tranh luận mở liên quan đến “quy tắc và trật tự được áp dụng trong lĩnh vực hàng hải và Biển Đông” để giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, cũng như duy trì trật tự dựa trên luật lệ để mọi tranh chấp hoặc xung đột đều được giải quyết thông qua pháp quyền và các biện pháp hòa bình, mà không phải thông qua các biện pháp cưỡng chế hoặc hành động gây hấn./.

Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)