Phiên họp UBTV Quốc hội: Xây dựng chuỗi liên kết để có sản phẩm sạch xuất khẩu
Trả lời chất vấn về vấn đề an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết nhiều doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết để tạo sản phẩm “sạch từ nông trại đến bàn ăn.”
Chiều 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ nhất, gồm các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; văn hóa, thể thao và du lịch.
Tại phiên họp, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của nông, thủy sản Việt Nam, nhất là hàng hóa xuất khẩu vẫn chưa được quan tâm đầy đủ.
Một số hàng hóa của Việt Nam bị phát hiện không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bị từ chối khi xuất khẩu, ảnh hưởng xấu đến thương hiệu hàng Việt Nam. Cần làm gì để kiểm soát, nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa nông thủy sản Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có khuyến cáo cụ thể gì đối với bà con nông dân và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ? - Đại biểu Hoàng Đức Thắng chất vấn.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết thời gian vừa qua, các vụ ngộ độc thực phẩm giảm, tuy nhiên vẫn có những trường hợp sản phẩm của chúng ta bị thị trường nước ngoài trả về do chưa đảm bảo an toàn thực phẩm.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết để tạo ra sản phẩm “sạch từ nông trại đến bàn ăn.”
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục cùng với các Bộ, ngành liên quan để kiểm soát vấn đề này.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết để có được sản phẩm sạch, vượt qua các rào cản để xuất khẩu được đối với một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ như nước ta hiện nay thì cần nhiều nỗ lực.
Cần truyền thông để nâng cao nhận thức, giám sát, đặc biệt cần truyền tải để bà con hiểu rằng chúng ta phải là người sản xuất có trách nhiệm, kể cả doanh nghiệp cũng không vì lợi nhuận mà đánh đổi sức khỏe của người tiêu dùng trong nước và hình ảnh của nông sản quốc gia.
Cũng tại phiên họp chiều nay, trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) về an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, theo Quy hoạch điện 8 và để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, Việt Nam vừa phải thay đổi về quy mô vừa phải thay đổi cơ cấu nguồn năng lượng, tức là tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo và giảm điện có nguồn gốc hóa thạch.
“Bộ Công Thương đang tích cực tham mưu Chính phủ các chính sách để thực hiện cho được mục tiêu trên. Việt Nam có tiềm năng về năng lượng tái tạo như nắng, gió,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay và nói thêm, trong điều kiện kinh tế, kỹ thuật của nước ta hiện nay, chúng ta không thể nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo quá khả năng kỹ thuật và kinh tế của Việt Nam, vì năng lượng tái tạo quá cao thì mất an ninh, an toàn lưới điện.
Về mặt kỹ thuật, có thể nâng năng lượng tái tạo nếu đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện, truyền tải điện nhất là điện thông minh, đầu tư vào công nghệ mới (như sản xuất hydrogen) để có nguồn điện sạch.
Tuy nhiên, giá thành điện phải gấp hàng chục lần hiện nay, không phù hợp với khả năng chi trả của các đối tượng sử dụng điện.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết trong Quy hoạch điện 8 đã xác định rất rõ cơ cấu các nguồn điện, lộ trình chuyển đổi, xác định rõ các cơ chế, chính sách như mua bán điện trực tiếp, phát triển điện mặt trời áp mái, ban hành khung giá điện theo giờ.
Kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; văn hóa, thể thao và du lịch, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết đã có 30 đại biểu chất vấn, 6 đại biểu tranh luận, 11 đăng ký nhưng do hết thời gian, đề nghị đại biểu gửi chất vấn bằng văn bản.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, nhìn chung, phiên chất vẫn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng; các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội đã bám sát các nội dung chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã chuẩn bị tốt nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm; giải trình khá đầy đủ về các vấn đề còn tồn tại, hạn chế.
Đồng thời, ghi nhận nỗ lực của các Bộ trưởng trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề xuất các giải pháp khắc phục những bất cập trong phạm vi phụ trách.
“Các nội dung lĩnh vực chất vấn sẽ được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận vào sáng mai (22/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ ban hành nghị quyết về các nội dung chất vấn của Chính phủ và các cơ quan có liên quan để tổ chức thực hiện”- Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết./.