Phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Phiên họp được tiến hành giản đơn, không có nghi thức, song tính chất hết sức quan trọng, để giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ trong thời kỳ mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Hội đồng Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt sau phiên họp đầu tiên, sáng 3/9/1945. Tại phiên họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề về sự cần thiết phải có một bản Hiến pháp dân chủ cho nước Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3/9/1945, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ.

Phiên họp được tiến hành giản đơn, không có nghi thức, song tính chất hết sức quan trọng, để giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ trong thời kỳ mới.

6 nhiệm vụ cấp bách

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra cho dân tộc ta một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Thế nhưng, ngay trong những ngày đầu độc lập ấy, Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Ðông Nam Á vừa được thành lập đã phải tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt cho sự tồn tại của mình.

Những khó khăn to lớn, chồng chất lại một lần nữa thử thách nhân dân ta: nền tài chính đất nước kiệt quệ, nạn đói vẫn còn đang là mối đe dọa, đại đa số nhân dân không biết chữ…

Vì thế, ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bao gồm sáu vấn đề:

[Tuyên ngôn Độc lập và những lẽ phải không ai chối cãi được]

- Thứ nhất, giải quyết nạn đói. Người đề nghị Chính phủ "phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất. Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại phát cho người nghèo."

- Thứ hai, giải quyết nạn dốt. Theo Người, một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, cần đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ.

- Thứ ba, phải có một hiến pháp dân chủ. Người đề nghị Chính phủ "tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống.

- Thứ tư, phải giáo dục nhân dân trừ bỏ những thói xấu do chế độ thực dân đã dùng mọi thủ đoạn để đầu độc và hủ hoá dân ta, Người đề nghị "mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: cần, kiệm, liêm, chính."

- Thứ năm, bỏ ngay ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò và "tuyệt đối cấm hút thuốc phiện."

- Thứ sáu, ra tuyên bố tín ngưỡng và đoàn kết Lương-Giáo.

Mang đầy đủ ý nghĩa xây dựng một xã hội mới

- Nạn đói được đẩy lùi

Trong thời kỳ đặc biệt này, nhiệm vụ cấp bách đầu tiên được Bác đề cập đến là việc giải quyết nạn đói. Người coi “chống đói cũng như chống ngoại xâm.”

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh: Tư liệuTTXVN)

Trong thư gửi đồng bào toàn quốc ra sức cứu đói tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với đồng bào cả nước và Người nêu gương thực hành trước "Cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo.”

Cùng với thực hiện những biện pháp cứu đói kịp thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: "Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập."

Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, sản xuất nông nghiệp nhanh chóng được khôi phục và có bước phát triển hơn trước. Nạn đói được đẩy lùi, đời sống của nhân dân, đặc biệt là nông dân lao động được dần dần ổn định và cải thiện một bước.

- Thành lập Nha bình dân học vụ để "trông nom việc học của nhân dân"

Tiếp sau việc giải quyết nạn đói và tăng gia sản xuất, một nhiệm vụ cấp bách quan trọng mà Chính phủ lâm thời đề ra là chống nạn mù chữ trong toàn quốc.

Ngay sau khi đất nước độc lập, ngày 8/9/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân Học vụ để "trông nom việc học của nhân dân."

Sau khi các Sắc lệnh được ban hành, phong trào toàn dân tham gia Bình dân Học vụ phát triển rộng khắp, lôi cuốn được mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, mọi giới tham gia. Ở các địa phương, nơi nào cũng có thể trở thành lớp học, từ đình chùa đến cổng làng, bờ ruộng, xưởng máy.

Nhờ đó, chỉ sau một năm hoạt động, Bình dân học vụ đã có 74.957 lớp học xóa mù chữ và có hơn 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ (ước tính cả nước lúc đó có 22 triệu người).

- Tổng Tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được tổ chức

Một nhiệm vụ cấp bách nữa mà Chính phủ lâm thời đặt ra là tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng Tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu.

Làm theo lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà,” tỷ lệ nhân dân cả nước đi bầu cử trong cuộc Tổng Tuyển cử đầu tiên trung bình là 89%, nhiều nơi đạt 95%.

Trong tình thế cách mạng muôn vàn khó khăn, Hồ Chí Minh đã nhanh chóng lãnh đạo tổng tuyển cử bầu Quốc hội để có cơ sở xây dựng Hiến pháp 1946. Hiến pháp 1946 khẳng định sự ra đời hợp Hiến của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước cộng đồng quốc tế.

- Tập hợp được đông đảo chức sắc, tín đồ các tôn giáo hết lòng vì sự nghiệp cứu nước, kiến quốc

Một trong các công việc cấp bách quan trọng mà Chính phủ lâm thời đề ra là tự do tín ngưỡng và đoàn kết lương giáo. Với tinh thần đoàn kết lương giáo, hòa hợp dân tộc, Người đã tập hợp được đông đảo chức sắc, tín đồ các tôn giáo hết lòng phấn đấu vì sự nghiệp cứu nước, kiến quốc, từ đó xóa dần những định kiến, mặc cảm do lịch sử để lại và âm mưu chia rẽ tôn giáo của các thế lực thù địch.

Có thể nói, những chính sách lớn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi giành được chính quyền đã mang đầy đủ ý nghĩa xây dựng một xã hội mới. Nhân dân được hưởng các quyền tự do dân chủ, các quyền về kinh tế và xã hội, văn hóa, giáo dục. Các chế độ bóc lột, độc đoán của chế độ cũ bị xóa bỏ.

Đây là những tiền đề quan trọng để kháng chiến kiến quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)