Phiên giao dịch ngày 14/11: Đồng USD mạnh lên, giá dầu "đuối sức"

Đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong một năm, sau khi đạt mức cao nhất trong bảy tháng trong phiên trước đó nhờ dữ liệu cho thấy lạm phát tháng 10 của Mỹ đã tăng đúng như dự đoán.

Đồng USD mạnh lên thúc đẩy đà giảm của giá dầu. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu giảm trong phiên giao dịch ngày 14/11 tại châu Á, đảo ngược hầu hết mức tăng của phiên trước đó, do lo ngại về khả năng sản lượng toàn cầu tăng trong khi tăng trưởng nhu cầu chậm. Đồng USD mạnh lên cũng thúc đẩy đà giảm này.

Vào lúc 14 giờ 26 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 45 xu Mỹ, hay 0,6%, xuống 71,83 USD/thùng. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 48 xu Mỹ, tương đương 0,7%, xuống 67,95 USD/thùng.

Ông Danish Lim, nhà phân tích đầu tư của nền tảng giao dịch trực tuyến Phillip Nova, nhận định rằng động lực chính của giá dầu, cả trong ngắn hạn và dài hạn, sẽ là hướng đi của đồng USD.

Phiên này, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong một năm, sau khi đạt mức cao nhất trong bảy tháng trong phiên trước đó nhờ dữ liệu cho thấy lạm phát tháng 10 của Mỹ đã tăng đúng như dự đoán.

Chuyên gia Kelvin Wong của công ty tài chính OANDA nhận định diễn biến lạm phát này làm tăng khả năng Fed sẽ có một chu kỳ cắt giảm lãi suất chậm hơn trong năm 2025, và do đó sẽ có ít thanh khoản hơn để thúc đẩy nhu cầu dầu.

Về mặt cung cầu, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã nâng nhẹ dự báo sản lượng dầu của Mỹ lên mức trung bình 13,23 triệu thùng/ngày trong năm nay, tăng 300.000 thùng/ngày so với mức kỷ lục 12,93 triệu thùng/ngày của năm ngoái, và cao hơn dự báo trước đó là 13,22 triệu thùng/ngày.

EIA cũng đã nâng dự báo sản lượng dầu toàn cầu năm 2024 từ 102,5 triệu thùng/ngày lên 102,6 triệu thùng/ngày. Đối với năm tới, cơ quan này dự đoán sản lượng dầu toàn cầu sẽ đạt 104,7 triệu thùng/ngày, cao hơn mức 104,5 triệu thùng/ngày trong dự báo trước đó.

EIA dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 ở mức khoảng 1 triệu thùng/ngày trong năm 2024, tăng so với dự báo trước đó là khoảng 900.000 thùng/ngày, nhưng vẫn thấp hơn so với mức dự báo của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Nhà phân tích độc lập Tina Teng cho biết hiện tại có rất ít yếu tố cung cầu hỗ trợ thị trường dầu tăng giá, trong bối cảnh nhu cầu ở Trung Quốc đang chậm lại.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế thế giới và tác động bất lợi tới nhu cầu ở Trung Quốc./.