Phiên 1/5, giá dầu thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong bảy tuần
Giá dầu thế giới giảm khoảng 3% xuống mức thấp nhất trong bảy tuần khi dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng, xung đột tại Trung Đông có dấu hiệu lắng xuống và kỳ vọng Mỹ cắt giảm lãi suất mờ dần.
Trong phiên giao dịch 1/5, giá dầu thế giới giảm khoảng 3% xuống mức thấp nhất trong bảy tuần khi dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng, xung đột tại Trung Đông có dấu hiệu lắng xuống và kỳ vọng Mỹ cắt giảm lãi suất mờ dần.
Chốt phiên này, giá dầu Brent giao tháng Bảy giảm 2,89 USD (3,4%) xuống 83,44 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,93 USD (3,6%) xuống 79 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất đối với cả hai loại dầu kể từ ngày 12/3.
Tại các thị trường năng lượng khác, giá dầu diesel kỳ hạn của Mỹ đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 7/2023, trong khi giá xăng của Mỹ ổn định ở mức thấp nhất trong 7 tuần.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết các công ty năng lượng đã bất ngờ bổ sung 7,3 triệu thùng dầu thô vào kho dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 26/4, trái ngược với dự báo giảm 1,1 triệu thùng mà các nhà phân tích đưa ra trước đó.
Theo các chuyên gia, số liệu về dự trữ dầu thô đã tác động đến thị trường “vàng đen.”
Ông Bob Yawger, người phụ trách thị trường năng lượng kỳ hạn tại ngân hàng Mizuho lưu ý vào thời điểm này trong năm, dự trữ dầu thô thường giảm khi một lượng lớn dầu thô được chuyển đến các nhà máy lọc dầu.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng ước tính lượng dự trữ xăng bất ngờ tăng 0,3 triệu thùng, trái với dự đoán giảm 1,1 triệu thùng.Ở Trung Đông, ngày càng có nhiều người dự đoán Israel và lực lượng Hamas sẽ đạt được một thỏa thuận ngừng bắn sau nỗ lực mới của Mỹ và Ai Cập.
Chuyên gia Ole Hansen, Giám đốc bộ phận chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, cho rằng kỳ vọng về lệnh ngừng bắn đang tác động mạnh tới thị trường dầu thô.
Ngày 1/5, sau cuộc họp chính sách thường kỳ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại 5,25%-5,50% và cho biết những dấu hiệu đáng thất vọng về tình hình lạm phát gần đây có thể làm trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất của cơ quan này.
Trong tuyên bố chính sách mới nhất, Fed vẫn giữ nguyên các yếu tố chính trong đánh giá kinh tế và hướng dẫn chính sách.
Mặc dù đánh giá tình hình lạm phát đã hạ nhiệt trong năm qua, song các nhà hoạch định chính sách Fed cho rằng việc cắt giảm lãi suất chỉ phù hợp khi nhận thấy lạm phát đang giảm một cách chắc chắn về mục tiêu 2%./.